194 nước nhất trí mở cuộc điều tra về hoạt động ứng phó dịch Covid-19 của WHO

22:34 | 19/05/2020;
Ngày 19/5, có 194 quốc gia đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19 do Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy. Nghị quyết kêu gọi đánh giá biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên quan đến đại dịch này.

Các nước EU và Úc đã vận động dư luận quốc tế ủng hộ đề xuất thực hiện "một đánh giá toàn diện, độc lập và vô tư" về "phản ứng y tế quốc tế do WHO điều phối với dịch Covid-19". Nữ Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết nghị quyết mang tính kêu gọi điều tra nguồn gốc động vật của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19, đồng thời thúc đẩy các sứ mệnh khoa học và hợp tác để theo dõi đường lây nhiễm của Covid-19 với mong muốn tránh nguy cơ tái diễn.

194 nước nhất trí mở cuộc điều tra về hoạt động ứng phó dịch Covid-19 của WHO - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne

Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, các nước đã thông qua nghị quyết, trong đó kêu gọi đánh giá công bằng, khách quan và toàn diện về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch Covid-19. Nghị quyết còn kêu gọi các nước cam kết đảm bảo cho phép tiếp cận minh bạch, công bằng và kịp thời đối với bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào được phát triển để ngăn ngừa và chống lại Covid-19.

Mỹ cũng đồng thuận với nghị quyết dù trước đó đưa ra nhiều chỉ trích và gửi tối hậu thư đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức và cắt tài trợ nếu WHO không khắc phục những thiếu sót trong 30 ngày. Phái đoàn đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc cùng ngày tuyên bố ủng hộ nghị quyết của EU nhưng giữ khoảng cách với nội dung trong nghị quyết về quyền sở hữu trí tuệ và sức khỏe sinh sản.

Trước đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại dịch Covid-19 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rút Mỹ khỏi cơ quan toàn cầu này. Người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu-Henriksson nêu rõ, đây là thời điểm thể hiện đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương.

194 nước nhất trí mở cuộc điều tra về hoạt động ứng phó dịch Covid-19 của WHO - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel

Đức và Pháp cũng đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết EU trị giá 500 tỷ Euro nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực. Theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhận khoản nợ 500 tỷ Euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhất và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục các nước thành viên về dự án. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, quỹ phục hồi nêu trên sẽ không phải dưới dạng các khoản cho vay mà là trợ cấp. Do đó, khoản tiền này sẽ không phải hoàn trả bởi các nước thụ hưởng.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự cần thiết và công bằng của quỹ tái thiết sẽ được dần hoàn trả thông qua một số ngân sách của EU trong tương lai. Bà cũng đánh giá đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử EU và chỉ có cùng hợp tác, châu Âu mới có thể nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng.

Ngoại trưởng của 11 nước châu Âu đã nhất trí chuẩn bị cho công tác mở cửa biên giới và khôi phục tự do đi lại của công dân châu Âu. Tiến trình mở cửa sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể để tránh nguy cơ số ca nhiễm gia tăng ngoài vòng kiểm soát.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn