2 bệnh viện hàng đầu dừng tự chủ toàn diện, đâu là nguyên nhân?

11:33 | 08/11/2022;
Sau thời gian thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, cả Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương đều xin dừng thực hiện. Văn phòng Chính phủ đã có công văn trả lời chính thức về vấn đề này.

Ngày 8/11, Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa có văn bản 7499/VPCP-KGVX ngày 7/11/2022 về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019.

Trước đó, Bộ Y tế đã gửi Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương theo Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. 

Cụ thể, sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương, Bộ Y tế đã có đánh giá kết quả thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của các đơn vị công lập. Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.

Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 ngày 19/5/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ (tự chủ một phần) và các Nghị định của Chính phủ.

Trước đề xuất của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm: Bộ Y tế thực hiện theo Quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33; báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy; 

Đồng thời, làm rõ bài học kinh nghiệm; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên; khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022.

Trước đó, ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Trong đó nêu rõ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K Trung ương. Sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Như vậy, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sẽ tiếp tục thực hiện theo Nghị định 60, hiện đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...

Hai bệnh viện hàng đầu dừng tự chủ toàn diện, đâu là nguyên nhân ? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh

Khó ở đâu?

Trước đó, làm việc với Bộ Y tế, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, từ năm 2020, bệnh viện được giao thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, BV gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, từ năm 2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của bệnh viện mỗi năm giảm 2.000 tỷ đồng (2 năm giảm 4.000 tỷ đồng). Nguồn thu giảm nên việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ bị ảnh hưởng, khiến bệnh viện không chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm. Đó là chưa kể nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị để phục vụ người bệnh. Khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Mặc dù nguồn thu giảm nhưng bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. BV chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết, hiện nay giá khám chữa bệnh tại bệnh viện đang thấp hơn so với một số viện khác. Ví như, giá chụp X-quang số hóa một phim tại Bệnh viện Bạch Mai là 65.400 đồng, trong khi bệnh viện Đại học Y Hà Nội thu 80.000 đồng; Bệnh viện Việt Đức là 100.000 đồng; giá siêu âm tại Bệnh viện Bạch Mai là 43.900 đồng, còn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thu 120.000 đồng, Bệnh viện Việt Đức là 150.000 đồng…

Nguồn thu giảm khiến đời sống cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng, nhiều người chỉ thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Nhân viên y tế trực cả đêm nhưng thù lao 115.000 đồng. Không chỉ vất vả, áp lực về chăm sóc người bệnh mà nhân viên y tế còn bị áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh.

TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, các điều kiện cơ bản là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Tuy nhiên. hiện nay, BV mới được tự chủ về tổ chức bộ máy, do đó chưa đủ điều kiện và chưa làm đúng nghĩa tự chủ nên cần thay đổi.

Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cũng cho rằng, việc tự chủ toàn diện của theo Nghị quyết 33 đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, theo Nghị quyết 33, hiện nay đã có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm toàn diện, nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này thì đang được soạn thảo, chưa hoàn thiện. Hơn nữa, đối với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong khám chữa bệnh. Đặc biệt, với điều trị bệnh nhân ung thư, máy móc thường rất đắt tiền. Tuy nhiên, trong 2 năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào.

Cũng theo ông Quảng, hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Theo đó, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn cho bệnh viện. Đặc biệt, nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì bệnh viện phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng chưa có quy định rõ.

Trước những khó khăn của 2 bệnh viện, Bộ Y tế báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn