Giao tiếp ứng xử tinh tế, khôn ngoan chính là cầu nối để gắn kết và phát triển. Năng lực dù tài giỏi đến mấy, tiền tài của cải nhiều đến đâu, không biết cách ăn nói để xử lý các mối quan hệ thì mọi thứ cũng tan thành mây khói. Vậy mới nói, người có kỹ năng giao tiếp ứng xử thông minh sẽ dễ dàng tạo dựng được các mối quan hệ, được nhiều người yêu mến, phát triển bản thân và thành công vượt trội.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, nhiều người thật thà đến mức nói chuyện "ngu ngốc", không biết giao tiếp nên quan hệ ít ỏi. Song muốn thành đạt trong sự nghiệp thì phải rèn cho mình cách ăn nói, biết việc nào nên nói hay nên im lặng, để tránh gây tổn thương cho người khác. Người thông minh luôn biết cách diễn đạt uyển chuyển, ăn nói khéo léo, và cẩn thận khi thốt ra từng lời nói.
Ảnh minh họa
Người xưa có câu: "Một lời nói hoạch định giang sơn". Lời đã nói ra cũng như nước đổ khỏi cốc, muốn lấy lại là điều không thể. Cho dù đó có là sự thật nhưng nếu làm tổn thương người khác, thì nhất định không nên nói ra, làm hỏng đi mối quan hệ hòa hữu.
Tuân Tử có câu: "Lời nói hay, giúp người ấm hơn vải lụa. Lời nói dở, hại người như gươm dao".
Người lương thiện được ví như có "thước đo" trong miệng và "tấm gương" trong tim, biết những gì nên nói và những gì không nên nói.
Nhiều người cho rằng vì không muốn mang tiếng giả tạo nên luôn quan niệm sống thì phải "thẳng như ruột ngựa"
Trên thực tế, người khôn khéo chưa chắc là giả tạo, còn người nói thật chưa chắc vì chân thành. Một người "tốt" hay nói "xấu" không hẳn là người tốt.
Ảnh minh họa
Bất kể là gia đình, tình bạn hay tình yêu, một mối quan hệ dẫu thân thiết đến đâu, cũng nên có những giới hạn về giao tiếp ứng xử.
Có nhiều người vì lạm dụng hai chữ "thân thiết" mà vô tình nói những lời sắc nhọn làm tổn thương người khác, rồi bao biện bằng câu nói "Tôi không quen nói dối. Tôi chỉ đang nói sự thật thôi mà!".
Người như vậy dẫu là người thật thà, nhưng ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến cảm xúc của mình. Họ lấy lý do "thật thà" là để thỏa mãn cảm xúc của bản thân mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Có người từng nói thế này: Sự quyến rũ của ngôn từ nằm ở vẻ đẹp của nó chứ không phải sự phong phú của nó.
Nói đúng là biểu hiện của lý trí và trí tuệ.
Điều này tương tự như câu nói: Nhìn thấu điều gì, cũng không cần nói ra, chừa cho họ một con đường lùi, chừa cho mình chút khẩu đức.
Ảnh minh họa
Người thông minh thường nhìn thấu mọi chuyện, nhưng người có trí tuệ mới đủ bao dung để không nói ra những lời tàn nhẫn tổn hại người. Người trí tuệ là người biết giữ thể diện cho người. Khi có trí tuệ, họ mới có thể nhìn thấy sự bất lực và buồn bã phía sau câu chuyện, để mà thông cảm, bao dung và sẻ chia.
Người khôn nghĩ trước khi nói, kẻ dại nói trước khi nghĩ.
Nhưng nếu như bạn là một người ngay thẳng và thật thà, trước khi nói điều gì, hãy dừng lại một chút và suy nghĩ xem lời nói của bạn sẽ có tác động như thế nào đối với người khác.
Những người biết cách ăn nói sẽ mang đến cho người khác cảm giác thoải mái, gần gũi và đáng tin cậy. Ngược lại, những người thiếu kiềm chế, gặp gì cũng nói, có ngày họa từ miệng mà ra.
Cư xử khéo léo, chính là cách kéo gần khoảng cách giữa người với người. Câu nói đẹp sẽ đi vào lòng người, câu nói xấu sẽ hủy hoại một người. Thế nên cách nói chuyện và thái độ của bạn có thể quyết định thái độ của người nghe với bạn. Vì vậy, người thông minh luôn biết đối mặt với chính mình, tự hoàn thiện mình, và thay đổi cách ứng xử của chính mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn