Đây là thời điểm nước rút để các địa phương quyết định học sinh của mình sử dụng bộ sách giáo khoa nào trong số các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Dưới góc độ người có nhiều năm làm công tác giáo dục, tôi xin nêu lên một số nhận xét xung quanh 2 bộ SGK đang thu hút nhiều chú ý của dư luận.
Sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều
Các nhà biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 mang tên Cánh Diều tập hợp các nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm trong soạn sách giáo khoa Tiếng Việt ở cấp tiểu học. Tổng chủ biên bộ sách là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - tổng chỉ huy về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là Bộ sách được đầu tư công phu về mặt hình thức. Sách được in nhiều màu với nhiều hình ảnh minh họa sinh động gắn với việc dạy và học Tiếng Việt. Hầu như ở trang nào, bài nào cũng có hình minh họa phù hợp với việc học mặt chữ và âm vần. Những hình ảnh được in trong sách tập trung giới thiệu về các loài vật, đồ vật, các loài cây hoa rất gần gũi với cuộc sống thường ngày ở lứa tuổi đầu đời phù hợp với nhận thức của học sinh lớp một như con gà, con vịt, con thỏ, con dê, con cá, cái ca, cái bàn, căn nhà, quả cà, quả chuối, quà dừa, quả táo... Điều mà khi dạy và học là các hình ảnh đó gắn chặt chẽ với quá trình học của học sinh được thiết kế từ thấp lên cao, từ dễ đến khó; được thiết kế theo chủ đề phù hợp với tâm sinh lý của học sinh.
Sách trình bày đẹp, công phu nhiều màu, nhiều hình ảnh có chọn lọc hấp dẫn lôi cuốn được các em học sinh lớp 1. Đặc điểm tâm lý của học sinh lớp 1 là trẻ mới đến lớp, đến trường còn rất bỡ ngỡ nhưng lại rất thích cái mới lạ. Chính vì thế mà những đặc điểm trên se dễ được các em tiếp nhận, thích thú, ghi nhớ so với mục đích yêu cầu của chương trình Tiếng Việt lớp 1 là đạt được yêu cầu tốt.
Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành theo chương trình Tiếng Việt lớp 1 đạt được yêu cầu đi từ dễ đến khó từ thấp đến cao; giáo viên được hướng dẫn về các bước giảng dạy ngay trong sách giáo khoa; như thế sẽ không cần có thêm sách hướng dẫn cho giáo viên chỉ cần có sách giáo khoa là giáo viên có thể hình dung ra được các bước lên lớp của mình. Đây có thể coi như một thành công của nhóm Cánh Diều trong việc soạn sách giáo khoa. Sự đổi mới này góp phần giúp cho cả giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh trong việc giúp cho học sinh học ở lớp, học ở nhà đạt hiệu quả tốt.
"Tôi đã thống kê về các văn bản có tính văn học được sử dụng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều thì thấy nhóm biên soạn đã sử dụng tới gần 200 văn bản từ các tác phẩm Việt Nam đến các tác phẩm trên Thế giới, chủ yếu là các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng viết cho tuổi thơ như A. Tônxtôi, An Đec xen, Perôn, Grim, Laphông Ten...".
Ông Trần Bá giao,
nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều rất chú ý đến các văn bản được sử dụng trong sách. Các truyện kể, các bài văn, bài thơ đều có nguồn gốc xuất xứ; nội dung có chọn lọc phù hợp với quá trình dạy chữ, phát âm, đọc vần. Đặc biệt là đều có tính giáo dục cao, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Giáo viên dễ lồng vào đó dạy những vấn đề về cách ứng xử, kỹ năng sống theo chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta.
Lượng thông tin nhiều được lồng vào trong các giờ học sẽ hấp dẫn học sinh khi các em được nghe kể chuyện được nghe và đọc thơ vừa giúp các em nhớ kiến thức về Tiếng Việt vừa tiếp thu được những giá trị đạo đức phù hợp với nhận thức của các em.
Để đạt được mục đích yêu cầu trên, giáo viên cần phải đầu tư công sức để tiếp cận với văn bản được trích dẫn vừa tìm tòi sáng tạo để làm sao cho các câu chuyện, các bài văn bài thơ ấy đến với học sinh một cách tự nhiên giúp các em tự khám phá, tiếp thu. Có như vậy giờ giảng của giáo viên và việc học của học sinh mới có hiệu quả.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều nếu được các nhà giáo gồm các cán bộ quản lý đến các giáo viên nghiên cứu, thực hiện một cách chủ động, sáng tạo với tình cảm tất cả vì học sinh thân yêu chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao trong dạy và học; học sinh sẽ có nền tảng về Tiếng Việt tốt, với một âm hồn trong sáng, đẹp đẽ của tuổi thơ Việt Nam.
Bộ sách của nhóm tác giả: Đỗ Việt Hùng (Tổng Chủ biên), Lê Phước Nga (Chủ biên), Thạch Thị Lan Anh và Lương Thu Hiền (biên soạn).
Đây cũng là một bộ SGK mới được in ấn công phu, nhiều màu sắc, hình ảnh chọn lọc. Mặt được đầu tiên của bộ sách là về hình thức. Các soạn giả đã rất có ý thức khi sử dụng những ký hiệu để sử dụng cho việc dạy và học nhằm gây ấn tượng và tạo được thói quen khi tiếp nhận. Có tới 9 ký hiệu để nhắc nhở giáo viên và học sinh ghi nhớ. Các hình ảnh về con người, đồ vật, loài vật... được in rõ ràng, sinh động, hấp dẫn. Những tranh ảnh minh họa phù hợp với mục tiêu dạy và học.
Về nội dung, ngay từ đầu, bộ sách đã giới thiệu bảng chữ cái Tiếng Việt cùng với các kiểu chữ: viết thường, viết hoa, in hoa. Đây có thể là dụng ý của các giả muốn giới thiệu khái quát về bảng chữ cái Tiếng Việt. Có thể đối với học sinh là giới thiệu để các em biết, không bắt các em phải nhớ. Tuy nhiên, cách thức này phù hợp với người lớn theo học hoặc dành cho người nước ngoài hơn là trẻ em.
Một nội dung nữa là việc sử dụng ký hiệu trong các bài học. Ở bộ SGK lớp 1 này, các tác giả sử dụng ký hiệu để hướng dẫn cách dạy và học (25 bài đầu có 8 ký hiệu và bài 26 thêm 1 ký hiệu nữa). Nhìn ký hiệu để yêu cầu học sinh thao tác, đó là sự đổi mới. Tuy nhiên, với số ký hiệu nhiều như vậy thì chỉ giáo viên mới nắm chắc còn những đối tượng khác như học sinh, phụ huynh khó nhớ được.
Trong bộ sách này có một cách hướng dẫn đánh vần mới, đó là thao tác hóa việc ghép vần. Ví dụ như như hướng dẫn ghép vần AN:
Đây có thể coi là một hướng dẫn đánh vần hay.
Ngoài ra, bộ SGK này cũng đưa ra yêu cầu học sinh viết theo nét (sổ thẳng, ngang chéo từ trái sang phải, từ phải sang trái) ngay từ bài đầu tiên.
Có một khác biệt giữa 2 bộ SGK này là việc ghi xuất xứ trích dẫn. Bộ SGK của nhóm "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" thường rất ít ghi nguồn trích dẫn trong khi bộ sách của nhóm Cánh Diều gần như đều có ghi xuất xứ trích dẫn. Thực tế, số lượng các truyện kể, các bài văn, bài thơ được sử dụng trong bộ SKG có tới gần 200 tác phẩm.
Theo tôi, ở từng Bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đổi mới giáo dục, ở cuối bộ sách nên có phần giới thiệu về ý tưởng của tác giả khi tiến hành xây dựng nội dung và phương pháp dạy để hướng dẫn cho người sử dụng sách nắm được, qua đó đối chiếu giữa mục tiêu của bộ sách với hiệu quả thực tế của quá trình dạy và học.
Tôi không có ý định so sánh các bộ sách để kết luận ngay là bộ sách nào hay hơn sách nào. Thiết nghĩ, các tỉnh thành sau 1 năm lựa chọn sách cần có ý kiến và sau đó là sự kiểm tra đánh giá khách quan của Bộ GD&ĐT đối với từng bộ SGK mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn