2 cách nhận diện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

13:00 | 31/03/2016;
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam thường gồm hai loại là xâm hại trực tiếp và gián tiếp.
Đối với tội phạm xâm hại trực tiếp
Thủ đoạn tội ác thường là gặp gỡ, dụ dỗ tiền, cho chơi game, rủ đi chơi… Khi các em sập bẫy, chúng rủ đến nơi vắng người để thực hiện hành vi. Học sinh tiểu học, trung học, thậm chí trẻ em từ 3-5 tuổi thường là mục tiêu của loại tội phạm này.
Qua nghiên cứu, 90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng…).
Đa số tội phạm xâm hại trực tiếp là người thân trong gia đình. 
Ngoài ra, hiện tội phạm này cũng có nhiều là người nước ngoài đến Việt Nam bằng con đường du lịch. Chúng hay hướng tới những trẻ em ngoại tỉnh làm các nghề đánh giày, bán báo, lang thang tại các địa bàn công cộng như vườn hoa, công viên, nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay… Hoặc chúng cũng hay viết tiếng nước ngoài rồi dùng Google dịch sang tiếng Việt, dán vào các cửa sổ chat để dụ dỗ học sinh. Đối tượng phạm tội cũng thường dùng chiêu thức dụ dỗ, hứa hẹn cho các em nhiều tiền và cho ăn uống, ở trọ tại các khách sạn, nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, rồi thực hiện hành vi đồi bại.
Với tội phạm xâm hại gián tiếp
Kẻ xấu thường dùng Internet để lôi kéo, chia sẻ nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc dụ dỗ các em quan hệ tình dục. Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi là thông qua hệ thống mạng xã hội, tin nhắn trực tuyến, web khiêu dâm, chat. Với cách này, tội phạm vẫn quấy rối tình dục trẻ em theo kiểu khẩu dâm, thị dâm, thính dâm… mà không cần lộ diện, không mất công sức nhưng đạt hiệu quả cao.

Mới đây, tại tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức (29/3): Trong 5 năm (2011-2015) cả nước xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung.
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tình trạng này đang gia tăng theo từng năm: Năm 2010 có 867 vụ, bắt 923 người; năm 2011 có 940 vụ, bắt 1.025 người; năm 2014 có 1.382 vụ, bắt 1.433 người. Trong đó, có khoảng 65% trẻ bị hiếp dâm, 28% trẻ em bị xâm hại tình dục.
Còn theo Mạng lưới xã hội dân sự quốc tế, trong số 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải mỗi ngày, có 270.000 hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em. Mạng lưới văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em có tới 1,2 triệu GB dữ liệu. Đáng chú ý, người tung hình ảnh bị coi lạm dụng tình dục trẻ phần lớn là cha mẹ (38%), tiếp đến là hàng xóm hay những người bạn của gia đình (26%).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn