2 cảnh báo đặc biệt của bệnh lao

18:55 | 15/08/2015;
Đó là phụ nữ mang thai dễ mắc lao và lao kháng đa thuốc.
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ nhiễm lao nhất
Cụ thể, ở lứa tuổi 15-24, tỉ lệ phát hiện lao phổi dương tính mới trên 100.000 dân tăng từ 37,5% (năm 2008) lên 42,3% (năm 2013) đối với nam giới; còn ở nữ giới là từ 22,8% lên 27,3%. Nguyên nhân khiến bệnh lao “trẻ hóa” một phần do tác động của xã hội, phần do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV. Đáng lưu ý, việc trẻ hóa số người mắc lao khiến phụ nữ mắc bệnh này trong thời kỳ thai sản có chiều hướng gia tăng.
Phải nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi TƯ, song nỗi buồn lớn hơn với chị Nguyễn Phương Thúy (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là mất đi đứa con do không phát hiện mắc lao sớm. Chị Thúy cho biết, khi chị mang thai đến tháng thứ 5 thì có hiện tượng sốt nhẹ, ho dai dẳng nhưng cho rằng ho là do thai nhi đang… mọc tóc nên chị không đi khám. Khi thai được 8 tháng, chị đi khám và làm xét nghiệm để chuẩn bị sinh thì mới biết mình mắc lao và được giới thiệu vào điều trị tại Bệnh viện Phổi TƯ. Lúc này, tình trạng bệnh của chị diễn biến rất xấu và con của chị đã bị nhiễm lao ngay từ trong bụng mẹ. 2 tuần sau khi sinh, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng cháu bé vẫn không thể qua khỏi.


Trong quá trình mang thai, các mẹ nên cảnh giác với những cơn ho kéo dài

Theo ThS Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao phổi mới, Bệnh viện Phổi TƯ, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ nhiễm lao nhất, vì trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể người mẹ yếu hơn bình thường. Tại bệnh viện, đa số phụ nữ mang thai mắc lao đến điều trị ở giai đoạn muộn nên khả năng thai nhi nhiễm lao và tử vong sau sinh rất lớn. Chỉ trong năm 2013, khoa đã tiếp nhận điều trị cho 50 ca lao thai sản, trong đó có 2 ca thai nhi bị nhiễm lao từ mẹ và tử vong sau sinh.

Cảnh báo lao kháng đa thuốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng lao kháng đa thuốc với tỉ lệ cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc. Có nhiều nguyên nhân gây ra lao kháng đa thuốc, song theo kết quả thăm dò từ các trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội cho thấy, đa phần bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị. Nhiều người bệnh mắc lao nhưng không điều trị đúng, đủ, đều theo phác đồ, hay không được theo dõi cẩn thận, dẫn đến bị tác dụng phụ. Một số bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc còn do tự ý đi khám và điều trị cùng lúc ở nhiều cơ sở y tế, với các phác đồ điều trị khác nhau…

Đa phần bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị dẫn tới chi phí điều trị cao hơn hàng chục lần và khả năng thành công thấp hơn so với bệnh nhân lao thông thường

Đặc biệt, chi phí điều trị cho trường hợp kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Sử dụng thuốc điều trị lao kháng đa thuốc để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị kéo dài (tối thiểu là 19 tháng). Bên cạnh đó, tỉ lệ điều trị thành công ở những bệnh nhân này chỉ đạt 70%, trong khi với những bệnh nhân lao thông thường là khoảng 90%. Một điều đáng lo ngại nữa là số bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho nhiều người khác.

Dấu hiệu điển hình khi mắc lao

Người mắc lao thường ho nhiều, có đờm, thậm chí còn ho ra máu; đau ngực, khó thở; gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân; sốt và thường xuyên ra mồ hôi; chán ăn, mệt mỏi...

Nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định nhưng vẫn ho có đờm thì cần nghĩ đến nguy cơ mắc lao. Khi thấy có những biểu hiện trên, cần đến cơ sở y tế để được khám và phát hiện, điều trị bệnh sớm. Hiện việc phát hiện bệnh lao khá đơn giản, mọi người mắc lao đều được uống thuốc miễn phí.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn