Đầu giờ sáng, căn nhà nhỏ mới xây ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, có tiếng của cô bé Hoài (học sinh lớp 11) dỗ dành cậu em trai Trần Việt Hải (lớp 4) ăn nhanh bát mì tôm để kịp đến trường.
Sáng nào cũng vậy, trước khi ra khỏi nhà đi học, Hoài thường ngước mắt lên ban thờ cùng lời thầm thì chào bố mẹ để 2 chị em đến lớp. Hoài kể: Từ khi bố mẹ mất, 2 chị em vẫn ở căn nhà của bố mẹ tại thị trấn Hợp Hòa để tiện hương khói, cũng là để 2 chị em vẫn cảm nhận đâu đó hơi ấm của bố mẹ cho vơi nỗi nhớ. Hàng ngày, ông bà nội đều từ nhà ở xã Hoàng Đan (huyện Tam Dương) lên ngủ cùng 2 chị em và thay nhau đưa đón bé Hải đến trường.
Nhìn theo 2 đứa cháu mồ côi đeo cặp sách khuất sau cánh cổng, ông Trần Quang Chiện (ngoài 80 tuổi, ông nội của Hoài và Hải) nhớ lại: khoảng 14h chiều hôm đó, khi ông đang ở nhà thì nhận tin từ hàng xóm báo vợ chồng con trai ông là Trần Việt Hùng và vợ là Bạch Thị Yên bị tai nạn đều đã tử vong.
Cậu con thứ 2 của ông Chiện có mặt tại hiện trường cho biết, xe máy do anh Hùng điều khiển chở vợ đang lưu thông trên đường tỉnh 305 qua thôn Chằm, xã Hoàng Đan, bất ngờ gặp đống cát và tấm ván chắn ngang khiến anh Hùng phải phanh gấp. Cả xe máy và 2 người cùng ngã văng xuống đường. Đúng lúc xe tải đi sau không phanh kịp đã chèn qua người anh Hùng và chị Yên, khiến cả 2 tử vong tại chỗ.
Đã gần 1 năm trôi qua, cô bé Hoài vẫn chưa thể tin 2 chị em đã mất đi cả bố lẫn mẹ chỉ trong một buổi chiều. Hoài kể: "Nhiều đêm đi ngủ, cháu nhớ bố mẹ nhiều lắm. Mấy lần cháu mơ thấy bố mẹ đang cười đùa với 2 chị em như ngày xưa. Khi tỉnh dậy, cháu chỉ thấy bố mẹ trên ban thờ thôi, cháu buồn và hụt hẫng lắm".
Hoài tâm sự, cháu vẫn nhớ hôm bố mẹ gặp nạn là lúc cháu đang tập đội ngũ chuẩn bị cho buổi lễ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam ở trường. Khi nghe cô giáo báo tin bố mẹ bị tai nạn, cháu chỉ nghĩ chắc bố mẹ nằm viện ít hôm sẽ khỏi. Nào ngờ, khi về đến nhà, cháu thấy ông bà nội, ngoại và mọi người đeo khăn tang...
"Sáng ngày cuối cùng ở nhà, khi cháu chuẩn bị đi xe đạp đến trường, mẹ dặn "đi đường cẩn thận con nhé!". Bình thường, mọi buổi trưa mẹ đi làm thì không gọi cho cháu nhưng trưa hôm đó, mẹ bỗng nhiên gọi hỏi con ăn cơm chưa, ngủ chút nào chưa? Tối con về sớm thì chăm em hộ mẹ, vì bố mẹ về muộn nhé. Đó là lần cuối cháu được nghe giọng mẹ", Hoài sụt sùi.
Bà Vũ Thị Tạo (mẹ anh Hùng) kể: "Từ lúc bố mẹ các cháu mất, vợ chồng tôi cứ quanh quẩn bên 2 chị em cái Hoài nhưng chính cháu gái mới là chỗ dựa tinh thần cho ông bà và em trai. Ngoài thời gian học, Hoài đều phụ ông bà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tưới rau và dạy em học bài".
Ông Chiện kể, vợ chồng anh Hùng đã vay ngân hàng để xây nhà tại thị trấn Tam Dương. Ở nhà mới được vài tháng thì tai nạn xảy ra, vợ chồng qua đời, để lại 2 con nhỏ với số tiền nợ ngân hàng 725 triệu đồng. "Nhờ số tiền bảo hiểm của bố mẹ các cháu và tiền bồi thường sau tai nạn, đến nay, gia đình tôi đã trả hết nợ. Tuy nhiên, tiền ăn uống, học hành của các cháu vẫn phải dè sẻn từng ngày", ông Chiện nói.
"Chi tiêu tiết kiệm cũng vừa đủ cho các cháu ăn học tạm thời nhưng tương lai các cháu thì chưa biết dựa vào đâu khi chúng tôi khuất núi. Chỉ mong cho cháu Hoài học được đại học như mong ước của bố mẹ cháu, sau này có việc làm ổn định còn lo cho em trai!", bà Tạo khẽ thở dài...
* Xem thông tin chi tiết về Chương trình trên Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử: www.phunuvietnam.vn, website: www.mottainai.com.vn
và các fanpage:
https://www.facebook.com/baophunuvn/; https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/
* Hotline: 0243.9713500.
Từ ngày 1/10/2020, mời bạn: Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 114000000909 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: Ủng hộ Mottainai). Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/baophunuvn để xem livestream đấu giá sản phẩm vào 11h30 thứ 6 hàng tuần, mua đồ online, giới thiệu các trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn và trực tiếp tham gia các hoạt động của chương trình.
THÔNG ĐIỆP TỪ MOTTAINAI
* "Mottainai" xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật, có nghĩa là "Lãng phí quá!". Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực…) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.
* Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.
* Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong "4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa".
DẤU ẤN MOTTAINAI
* Là cộng đồng ủng hộ đồ đã qua sử dụng vì mục tiêu nhân đạo lớn nhất Việt Nam với hơn 200.000 người tham gia;
* Các hình thức ủng hộ, quyên góp đa dạng: trực tiếp, online…
* Hơn 4.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông được hưởng lợi.
* Được Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Sáng tạo vì sự phát triển bền vững năm 2017.
* Được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao Bằng khen vì những đóng góp trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn