Nadia Murad, 23 tuổi và Lamiya Aji Bashar, 18 tuổi, nằm trong số hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS bắt cóc, tra tấn và lạm dụng tình dục ở Iraq vào tháng 8/2014.
Cả 2 đều là người Yazidi - một giáo phái nhỏ, có niềm tin kết hợp từ nhiều yếu tố tôn giáo Trung Đông cổ đại. Tôn giáo này bị IS xem là tôn thờ quỷ dữ, vì vậy khi tiến vào khu vực của người Yazidi, chúng đã ra tay giết hại những người dân vô tội nơi đây, sau đó bắt toàn bộ phụ nữ và trẻ em gái về làm nô lệ.
Sau một thời gian bị giam cầm, cô Murad đã may mắn thoát khỏi bàn tay ma quỷ của IS tại Mosul vào tháng 11/2014, chạy trốn tới một trại tị nạn và cuối cùng đến Đức an toàn.
Nadia Murad, 23 tuổi và Lamiya Aji Bashar (phải), 18 tuổi. |
Trong lần phát biểu tại Đại học Cairo ở Ai Cập, Murad nhớ lại: “Khi IS tiến vào ngôi làng của tôi, chúng đã giết rất nhiều người. Ngày hôm sau, chúng giết những người phụ nữ già và dẫn các cô gái trẻ, trong đó có tôi, đến Mosul. Tại Mosul, tôi và hàng ngàn phụ nữ Yazidi bị gán cho các chủ nô. Chúng tôi thường bị trói trong lúc cầu nguyện và bị đối xử không bằng động vật, bị hãm hiếp bất cứ khi nào".
Sau khi thoát khỏi IS, Murad đã trở thành một nhà hoạt động ủng hộ những người Yazidi, người tị nạn và quyền của phụ nữ nói chung. Murad lên tiếng kêu gọi các quốc gia đứng lên chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng: “Tôi là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố cải trang dưới lớp áo choàng Hồi giáo. Tất cả những tội ác đều xảy ra dưới ‘cái mác’ đạo Hồi. Tôi đã đến thế giới Hồi giáo để khiếu nại và yêu cầu Ả Rập và các nước Hồi giáo chống lại IS. Thực tế, không có đạo nào chấp nhận việc nô dịch phụ nữ và hãm hiếp trẻ em”.
Murad cũng ủng hộ các chiến dịch chống nạn buôn người. Trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cô từng đứng lên phát động “Sáng kiến của Nadia” nhằm giúp các nạn nhân của nạn diệt chủng. Theo cô vụ thảm sát người yazidi vào năm 2014 phải được thừa nhận là diệt chủng.
Về phần Bashar, cô gái mới 18 tuổi cũng là nạn nhân của vụ thảm sát người Yazidi vào năm 2014. Tương tự như Murad, cô cũng bị bắt và trở thành nô lệ tình dục của phiến quân IS.
Cô may mắn trốn thoát vào tháng 3/2015 nhưng 1 quả bom phát nổ trên đường chạy trốn đã khiến khuôn mặt của cô bị biến dạng nghiêm trọng và mù 1 bên mắt. Hiện, Bashar đang sống ở Đức. Cô hoạt động với vai trò là một người ủng hộ cho cộng đồng người Yazidi.
Phát biểu tại buổi lễ trước Nghị viện châu Âu, cô giải trẻ cho biết: “Giải thưởng Sakharov cho tôi sức mạnh tuyệt vời và đây là lý do tại sao tôi quyết định trở thành một tiếng nói cho những tiếng nói nhỏ bé khác. Người Yazidi là nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và khủng bố. Họ đã mất đi cuộc sống của họ nhưng tôi rất mong các bạn hứa với tôi, hứa với tất cả chúng tôi rằng các bạn sẽ không bao giờ cho phép những điều này xảy ra một lần nào nữa. Các bạn sẽ lắng nghe chúng tôi và đưa những tên tội phạm ra trước công lý”.
Phát biểu cảm tưởng về 2 người phụ nữ trẻ kiên cường trước sự tàn độc của IS, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz khẳng định: “Họ là những nữ anh hùng”.