Trong ấn tượng của chúng ta, người già ở độ tuổi 80 có lẽ nên ở nhà dưỡng lão, song ở Nhật Bản có 2 cụ bà sinh đôi năm nay 88 tuổi vẫn chăm chỉ kinh doanh một tiệm ăn được nhiều người yêu thích.
Tiệm ăn này có tên “Judai Tachibana”, nằm ở ga tàu phía Nam của thành phố Osaka lấp ló giữa hàng nhà cao tầng, thật lặng lẽ và thậm chí như biến mất khỏi phố phường nếu không có hàng người xếp bên ngoài gây chú ý. Bà Tokiko và bà Toshiko cùng là chủ của tiệm ăn dễ thương này.
Mặc dù tiệm “Judai Tachibana” trông bình thường, chỉ phục vụ một số món ăn gia đình nhưng rất nổi tiếng, nhiều người chấp nhận xếp hàng bên ngoài giữa trời nắng để được thưởng thức đĩa cơm, bát mì đơn giản của 2 cụ bà. Sau đó, nhờ sức mạnh của mạng xã hội, tiệm “Judai Tachibana” đã “gây sốt” thu hút càng nhiều khách đến thưởng thức món ăn và nhân cơ hội gặp gỡ 2 cụ bà sinh đôi này.
Vài năm trước, một đài truyền hình Nhật Bản đã ghi lại cuộc sống hàng ngày của 2 cụ bà. Bộ phim đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người bởi sự lạc quan lẫn “tính chữa lành” trong mỗi chi tiết.
Ai cũng biết kinh doanh tiệm ăn không hề đơn giản. 4 giờ sáng, 2 cụ tay trong tay đến cửa hàng để làm việc. Cũng có lẽ vì là chị em sinh đôi nên hai người vô cùng hiểu ý nhau, em nấu món hầm, chị thì chuẩn bị dụng cụ nấu ăn cùng nguyên liệu cần dùng trong ngày.
Duy trì một cửa tiệm không chỉ có nhiêu đó. Với sự giúp đỡ từ con trai của bà Tokiko, 2 cụ mới hoàn tất khâu chuẩn bị các món ăn, để 11h30 bắt đầu mở cửa đón khách.
Khách vừa gọi món vừa hỏi thăm, 2 cụ bà vừa làm vừa nói chuyện với khách, bận rộn đến 4h30 chiều mới có thể nghỉ ngơi.
2 cụ bà đã cao tuổi, cụ Tokiko bị ung thư, tác dụng phụ của thuốc chống ung thư thường khiến bà cảm thấy mệt mỏi và đau khớp chân tay. Con cái thật ra đã sớm khuyên 2 cụ đóng cửa về nhà dưỡng lão nhưng họ không đồng ý.
2 cụ cùng quan điểm: “Sống như vậy có ý nghĩa gì. Cửa tiệm này là kho báu của chúng ta, trừ phi nằm xuống, nếu không tuyệt đối không đóng cửa”.
Điều này cũng khó trách, cửa tiệm nhỏ nhắn khiêm tốn này có ý nghĩa to lớn đối với 2 chị em.
Bà Tokiko và bà Toshiko ra đời năm 1933, ở cái thời mà tư tưởng truyền thống Nhật Bản cho rằng song sinh là 2 người nam nữ yêu nhau chết oan uổng kiếp trước đầu thai chuyển thế, là một điều không may mắn.
Do đó, 2 cụ bà từ nhỏ đã bị tách ra, người chị Tokiko ở lại bên cạnh bố mẹ, người em Toshiko được chú nuôi dưỡng.
Vài năm sau, chú thím qua đời, bà Toshiko lại chuyển sang sống cùng bà nội. Họ lúc này chỉ nghĩ mình là chị em họ, thế mà đã rất hợp ý nhau, tình cảm thắm thiết, gắn bó.
Năm họ 12 tuổi, bà nội đến nhà Tokiko sống cùng con cháu, thế là Toshiko cũng được sống tại đây. Hai chị em lại càng thêm thân thiết, cùng nhau trải qua thời niên thiếu vui vẻ.
Thế nhưng gia đình vẫn giấu giếm mối quan hệ thật sự của họ, mãi đến khi 2 chị em 20 tuổi, mẹ mới nói ra sự thật. Chị em sinh đôi bị chia cắt từ nhỏ lúc đó mới nức nở, ngậm ngùi khi phát hiện họ là máu mủ ruột thịt.
Về sau, 2 chị em lần lượt kết hôn, điều kiện nhà chồng cũng khá tốt.
Năm 1958, bà Toshiko kết hôn với con trai của một nhà xuất bản giàu có. Sau khi kết hôn, bà sống trong một ngôi nhà hơn 300 mét vuông, ngoài ra còn có 2 căn hộ khác. Năm 1959, bà Tokiko kết hôn với con trai của chủ tịch công ty xây dựng.
Thói đời trớ trêu, chồng của 2 bà đều không đáng tin cậy. Chồng của người em thì ăn chơi trác táng khiến gia sản lụi bại, còn có người phụ nữ khác ở ngoài.
Chồng của bà Tokiko cũng không hề hiền hậu sau vẻ ngoài đạo mạo. Sau khi kết hôn, gia cảnh sa sút, ông chẳng những không muốn vực dậy sự nghiệp mà còn rượu chè bê tha, bạo lực gia đình, ở ngoài “trêu hoa ghẹo nguyệt”. Nhưng để bảo vệ các con, bà Tokiko chỉ đành chịu đựng.
Nếu không thể trông cậy vào chồng thì chỉ có thể dựa vào chính mình. Đó là một ngày của năm 1975, bà Tokiko vay mượn một số tiền để mở tiệm “Judai Tachibana”.
Người chồng, ngoài miệng thì nói đến tiệm giúp đỡ, nhưng chỉ có mặt mỗi buổi sáng để uống tách cà phê, sau đó lại tiếp tục la cà đến tối muộn.
Trong thời gian khó khăn nhất, bà Tokiko chỉ có em gái Toshiko đồng hành bên cạnh. Ban đầu chỉ là thỉnh thoảng tới hỗ trợ, cuối cùng bà quyết định dọn đến sống chung. Tình thân nồng đậm, sau những nỗ lực ngày này qua ngày, cuộc sống dần khấm khá hơn. Hai chị em trả hết nợ, tiệm ăn nhỏ có chút tiếng tăm, ngay cả thị trưởng và rất nhiều giám đốc công ty cũng là khách quen ở tiệm.
Các món ăn ở tiệm “Judai Tachibana” tuy rất đơn giản nhưng lại có hương vị "thời thơ ấu" khiến người ta ăn không chẳng bao giờ ngán. Trong những năm đầu, tiệm chỉ phục vụ các món ăn gia đình như cơm cà ri, cá chiên và súp miso.
Sau đó, để tiết kiệm thời gian cho những người trẻ hối hả với văn hóa làm việc ngày nay, tiệm lại bán thêm một ít bento (cơm hộp), thích hợp với dân văn phòng, vừa rẻ vừa ngon miệng.
Nhưng sức hấp dẫn của tiệm ăn này không chỉ là món ngon, mà còn là câu chuyện cuộc sống thăng trầm và đậm tình người của 2 cụ bà sinh đôi.
Tiệm “Judai Tachibana” có rất nhiều “khách ruột”, một số người thậm chí còn ghé mỗi ngày: "Chỉ cần nhìn thấy hai cụ cao chưa đến một mét rưỡi, vẫn còn làm việc chăm chỉ, cảm thấy cuộc sống dù khó khăn hơn cũng chẳng có gì ghê gớm".
Đối với nhiều người, thứ “Judai Tachibana” phục vụ không chỉ là bữa ăn no, mà còn là sự an ủi tinh thần và động lực sống. Tiệm ăn nhỏ ở thành phố "tấc đất tấc vàng" này trở thành “bến cảng” tạm thời thư giãn, vừa là nơi để họ được "chữa lành" và nghỉ chân.
Gần 50 năm trời, 2 cụ bà đã tự kinh doanh cửa tiệm và chỉ nghỉ khi bà Tokiko đi khám bệnh. Khi con cái cũng đã lập gia đình, 2 cụ chỉ có thể nương dựa vào nhau.
Niềm vui hàng ngày của 2 chị em là uống một vài ly sau khi đóng cửa. Có người hỏi tiệm có thể kinh doanh đến khi nào, 2 cụ nhìn nhau và cười nói: "Chúng tôi cũng không biết!". Nụ cười nở trên môi của 2 cụ bà 88 tuổi chứa đựng sự tự do tự tại và sự dung dị với quy luật "sinh lão bệnh tử".
Tuy nhiên, giữa năm 2022, cụ Tokiko đã qua đời vì căn bệnh ung thư và tuổi già, để lại niềm tiếc thương to lớn cho bao người. Tiệm ăn đóng cửa và cụ Toshiko chính thức nghỉ hưu không lâu sau đó.
Như cụ Tokiko thường nói: "Sóng lớn ập đến không thể chạy trốn, con người ta sẽ bị sóng cuốn vùi dập, thế nhưng phải ngẩng mặt đón gió, mượn gió đánh tan giúp ta thoát khỏi sóng cuộn kia".
Câu từ mộc mạc ấy không chỉ là bí quyết sống hạnh phúc của 2 cụ bà trong thời đại này, mà còn là bài học mà họ truyền đạt cho các thế hệ tiếp theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn