Đặc biệt đối với trẻ em, đọc sách là một quá trình tích lũy và tích lũy không ngừng. Đọc sách cũng giống như nắng mưa, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp trẻ trưởng thành, bồi dưỡng tính cách của bé từ trong ra ngoài và trở thành sức mạnh lớn nhất để trẻ làm hành trang bước vào đời.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ đọc sách tranh mỗi ngày có thể nắm vững từ vựng tốt hơn những đứa trẻ không đọc sách. Đọc sách không chỉ có thể cải thiện vốn từ vựng của trẻ, giúp trẻ đọc hiểu và viết tốt mà còn giúp trẻ hiểu nội hàm của ngôn ngữ.
Bắt đầu đọc sách khi còn nhỏ sẽ mang lại cho trẻ rất nhiều lợi ích và thói quen tốt, có lợi cho trẻ đến suốt đời
Trẻ thích đọc sách thì não bộ sẽ có thói quen tư duy nhiều hơn về các vấn đề, khả năng học tập của trẻ cũng sẽ mạnh hơn, cảm xúc ổn định hơn, nhân cách bình tĩnh hơn, chúng có thể tự kỷ luật và mở rộng kiến thức.
1. Đọc có thể cải thiện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và kích thích kỹ năng giao tiếp
Trẻ em đọc nhiều có thể suy nghĩ về ngôn ngữ và hành vi của các nhân vật trong sách, trau dồi tư duy và kỹ năng đọc, thậm chí cải thiện khả năng diễn đạt của chúng. Còn những đứa trẻ ghét đọc thì khả năng ngôn ngữ của chúng hầu như rất kém, và cũng sẽ ảnh hưởng đến giao tiếp vì diễn đạt hạn chế. Do đó, đọc sách có thể cải thiện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và kích thích kỹ năng giao tiếp.
2. Đọc sách có thể mở rộng tầm nhìn và kiến thức của trẻ
Chỉ khi đọc nhiều sách, bạn mới có hiểu biết, đọc sách cho phép trẻ biết thêm về thế giới mà không cần đi ra ngoài. Đọc sách có thể giúp trẻ em nhận biết và hiểu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và phong tục địa phương trên khắp thế giới.
3. Đọc sách có thể nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ em và cải thiện khả năng viết của chúng
Thế giới trong sách rộng lớn và vô hạn, đầy trí tưởng tượng, hiếu kỳ và cơ hội. Bất luận là thế giới hiện thực có bao nhiêu tàn khốc, thì những đứa trẻ thích đọc vẫn sẽ nuôi cho mình một lý tưởng cao xa, mơ ước bay bổng và sự sáng tạo vô hạn. Những câu chuyện kiến thức được tích lũy trong quá trình đọc, một lượng lớn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ đầy màu sắc sẽ trở thành chất liệu và tấm gương sáng tác cho trẻ.
4. Đọc sách có thể mở mang tư duy, giúp phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng hiểu bài trong trường
Trẻ thích đọc có khả năng học tập và sáng tạo mạnh mẽ hơn, ngược lại trẻ đọc sách ít thường có những hạn chế nhất định trong học tập. Đọc sách giúp trẻ có thói quen chủ động tư duy về mọi vấn đề, khả năng ngôn ngữ phong phú của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu và giải quyết vấn đề một cách sâu sắc hơn. Cho trẻ đọc sách có thể bồi dưỡng tư duy của trẻ thêm sâu rộng, logic và linh hoạt, đồng thời cải thiện khả năng học tập và giải quyết vấn đề của trẻ.
5. Đọc sách có thể trau dồi khả năng tư duy độc lập và khiến trẻ trở nên dũng cảm hơn
Bằng cách đọc các lập luận và cốt truyện phức tạp trong sách, trẻ em có thể phát triển khả năng tư duy phản biện, tư duy độc lập và thoát khỏi xiềng xích của tư duy thông thường. Loại can đảm để khám phá những kiến thức chưa biết này có thể khiến cuộc sống của trẻ em trở nên phi thường, và nhìn thấy những cảnh vật chưa từng thấy trước đây. Đọc nhiều hơn có thể dạy trẻ không sợ những khuyết điểm của bản thân, dũng cảm và tự tin làm chính mình; dám thử khám phá những điều chưa biết và không sợ hãi trước những điều lớn lao; học cách tử tế với mọi người, và sử dụng trí tuệ để vượt qua những khó khăn lớn hơn.
Cha mẹ cần làm gì để trau dồi thói quen đọc sách của trẻ?
Bây giờ chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc đọc sách rồi, vậy là một bậc cha mẹ, làm thế nào để chúng ta có thể nuôi dưỡng thói quen tốt này cho con em mình?
1. Đưa con bạn đến môi trường có sách
Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đến nhà sách hoặc thư viện thường xuyên. Tôi đã từng nghe một câu nói rằng: "Hương thơm của sách giống như không khí, không thể nhìn thấy hoặc chạm vào, nhưng có sức ảnh hưởng rất sâu sắc đến con người."
Ở một nơi mà đâu đâu cũng có sách, ai đọc cũng yên lặng, tôi tin rằng trẻ con cũng sẽ bị lây nhiễm, chúng sẽ tạm thời quên đi những trò chơi và trái bóng, vô thức sẽ tìm được một cuốn truyện mà chúng thích, sau đó, ngồi xuống và đắm chìm trong câu chuyện đó.
2. Phải nắm bắt "giai đoạn vàng để đọc sách" của trẻ
Trẻ em có một thời kỳ gọi là "giai đoạn vàng để đọc sách", đó là từ 1 đến 10 tuổi. Raymond Ma, giáo sư tại Đại học York, Canada, đã công bố một nghiên cứu, chỉ ra rằng trẻ mầm non, càng đọc và nghe nhiều câu chuyện thì tâm trí của chúng sẽ càng nhạy bén.
Đừng nghĩ rằng những đứa trẻ còn nhỏ, thiếu hiểu biết, không biết chữ thì không cần đọc. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn đã thực sự sai lầm. Trẻ nhỏ sẽ từ từ hiểu và nhận biết thế giới thông qua các câu chuyện trong sách. Chúng giống như một miếng bọt biển nhỏ, sẽ hấp thụ kiến thức và mở rộng tầm nhìn của mình thông qua giọng đọc của cha mẹ.
Vì vậy, việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách tốt ở trẻ em nên bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn