2 gia đình thực hiện liên tiếp các vụ đánh bom liều chết ở Indonesia

19:09 | 14/05/2018;
2 vụ tấn công khủng bố bằng việc đánh bom liều chết ở Indonesia ngày 13 và 14/5 đều do hai gia đình thực hiện. Điều đáng nói là không chỉ phụ nữ trong gia đình mà các em bé nhỏ cũng bị lôi kéo vào các hành động tàn sát máu lạnh.
khung-bo-o-surabaya-4.jpg
Đánh bom ở Surabaya

Các vụ đánh bom ở Surabaya là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất tại Indonesia kể từ năm 2009. Vụ tấn công gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất tại quốc gia vạn đảo là vụ đánh bom đảo Bali năm 2002 làm 202 người thiệt mạng. Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh an ninh tại Indonesia đang được siết chặt vào thời điểm người Hồi giáo ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này, chuẩn bị bước vào tháng lễ ăn kiêng Ramadan.

 
khung-bo-o-surabaya-2.jpg
Nỗi đau của một phụ nữ khi có người thân thiệt mạng

Vụ tấn công liều chết sáng 14/5 bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya, thủ phủ Đông Java (Indonesia) do một gia đình 5 người thực hiện, trong đó có một bé gái 8 tuổi. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Tito Karnavian - Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia cho biết trong vụ tấn công sáng 14/5 làm ít nhất 16 người bị thương, các thành viên gia đình nói trên đi trên 2 xe máy đã kích nổ bom tại một trạm kiểm soát bên ngoài trụ sở cảnh sát. Chỉ có con gái 8 tuổi trong gia đình này sống sót và hiện đang hồi phục sức khỏe.

 
puji-kuswati-1.jpg
Gia đình bà Puji Kuswati là thủ phạm

Trước đó, ngày 13/5, tại Surabaya cũng đã xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào 3 nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost ở thành phố Surabaya làm ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy thủ phạm thực hiện vụ tấn công này là một gia đình 6 người, gồm bố, mẹ cùng 4 con từ 9 đến 18 tuổi. Cảnh sát tỉnh Đông Java cho biết gia đình này có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria. Người chồng Dita Futrianto (46 tuổi) đã lái một xe ô tô chở chất nổ đâm vào cửa một nhà thờ. Tiếp đến là vụ tấn công nhằm vào nhà thờ do người vợ Puji Kuswati (42 tuổi) cùng hai con gái 9 và 12 tuổi thực hiện. Người phụ nữ đến nhà thờ Diponegoro cùng 2 cái túi. Bà ta sau đó ôm lấy một người ở nhà thờ và kích nổ quả bom. Vụ còn lại do 2 con trai riêng 16 và 18 tuổi của người chồng tiến hành.

 
phu-nu-indonesia.jpg
Phụ nữ và trẻ em Indonesia bị lôi kéo vào nhóm khủng bố IS

Theo Viện Phân tích xung đột của cảnh sát Indonesia, nhận định những kẻ ủng hộ IS ở Indonesia có thể sẽ thực hiện các vụ tấn công trong nước. Khi những sào huyệt cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria lần lượt bị tước bỏ, các nước tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia đang trở thành nơi trú ẩn cho những tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tháo chạy khỏi chiến trường. Khi nhận ra rằng phụ nữ hay trẻ em mang chiếc ba lo chứa bom sau lưng sẽ ít bị nghi ngờ hơn nam giới và thể hiện sự dũng cảm không khác gì đàn ông, IS đã dùng mọi chiêu thức để lôi kéo phụ nữ châu Á tham gia hoạt động khủng bố, tạo nên nguy cơ phức tạp khôn lường.

 
khung-bo-o-surabaya-1.jpg
Cảnh sát Indonesia được tăng cường

Để chiêu mộ phụ nữ, IS dùng mạng xã hội và các ứng dụng trò chuyện trên mạng để thông tin thu hút những phụ nữ có trình độ hay phụ nữ Indonesia đang làm giúp việc tại nước ngoài gia nhập tổ chức khủng bố này. Ngoài ra,  một số phụ nữ cũng lao vào các cuộc thánh chiến thông qua các tờ rơi tuyên truyền khủng bố và những cộng tác viên. Những lời dụ dỗ của các phần tử thánh chiến đã có sức mê hoặc lớn với phụ nữ.

 
tre-em-indonesia.jpg
Trẻ em được nhắm đến để đào tạo thành khủng bố từ lúc còn nhỏ

Sự xuất hiện của phụ nữ trong các tổ chức tôn giáo không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong hoạt động của các tổ chức cực đoan rất đáng quan ngại. Thế hệ phụ nữ mới đang tham gia thánh chiến đều có tính cách độc lập, mạnh mẽ, có nền tảng giáo dục tốt và đó chính là mối nguy hiểm khi họ tham gia IS. Tư tưởng cực đoan của người mẹ lại tiếp tục gieo rắc vào đầu con cái và hướng chúng đi theo. Chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự kinh hoàng trước thông tin trẻ em đã được sử dụng để tham gia các vụ tấn công.

 

Được tin đã xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại thành phố Surabaya (Indonesia), đặc biệt là vụ nổ bom tại 3 nhà thờ ngày 13/5, làm nhiều thường dân chết và bị thương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. 

 
Sau những vụ đánh bom liên tiếp tại thành phố Surabaya, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta lưu ý công dân Việt Nam tại Indonesia giữ bình tĩnh và nâng cao cảnh giác, giảm bớt các hoạt động ở các khu vực công cộng trong những ngày tới và thông báo ngay cho cảnh sát gần nhất nếu thấy các hoạt động đáng ngờ. Thông báo trên Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta cũng dẫn lại danh sách các địa điểm có nguy cơ khủng bố cao do tình báo và đơn vị chống khủng bố Indonesia đưa ra. Trường hợp cần hỗ trợ, công dân Việt Nam có thể gọi đường dây nóng của đại sứ quán theo số 62 811161025 / 62 21 3100358 hoặc email: jakarta@mofa.gov.vn.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn