Gần đây, có một video lan truyền trên mạng xã hội ở nước ngoài gây xôn xao cư dân mạng. Theo đó, vào lúc 2h30 sáng, có một bé gái không chịu ngủ đòi mẹ mẹ dẫn ra ngoài chơi.
Người mẹ trong video hỏi con mình rằng: "Nếu con không muốn ngủ mà muốn ra ngoài chơi, con chơi tới sáng có được không".
Đứa trẻ đáp: "Dạ có".
Sau đó, người mẹ mặc áo ấm cho con rồi dắt ra ngoài. Thấy ngoài đường không có ai cả, người mẹ hỏi: "Con thấy chưa, giờ này mọi người ngủ hết rồi, sao con không chịu ngủ".
Đứa trẻ vẫn khăng khăng nói không muốn ngủ, sau đó chạy nhảy trên đường vắng tanh rất vui.
Người mẹ nói tiếp: "Bây giờ con đang rất vui đúng không, con hãy nhớ khoảnh khắc này nhé. Nếu một lúc nữa con khóc đòi về, con hãy nhớ những gì con đã nói với mẹ".
Khoảng 4h sáng, đứa trẻ muốn về nhà nhưng người mẹ vẫn kiên quyết từ chối. Đứa trẻ dang đôi bàn tay nhỏ bé của mình ra để ôm lấy mẹ, nhưng người mẹ hết lần này đến lần khác lùi lại.
Đồng thời, người mẹ liên tục nhấn mạnh với con rằng, trước khi đi chơi đã thỏa thuận chơi đến sáng mới về nên bây giờ không được về nhà.
Đứa trẻ méo máo khóc: "Nhưng tay của con lạnh lắm, mẹ sưởi ấm cho con có được không". Thế nhưng, người mẹ vẫn từ chối.
Ở cuối video, đứa trẻ cuối cùng cũng chịu không nổi, gào lên khóc nức nở, còn gục xuống đường: "Con muốn mẹ đưa con về nhà".
Ở phần bình luận của video, nhiều cư dân mạng đã để lại nhiều nhận xét, có người khen ngợi cách dạy con của người mẹ này, nhưng cũng có người cho rằng người mẹ quá lạnh lùng.
Tuy nhiên, dạy con là một quá trình rất khó khăn. Tư duy "dạy con kiểu ngược" của người mẹ này nếu không biết ranh giới, rất có thể sẽ trở thành một hình phạt trá hình.
Bản chất của việc nuôi dạy con cái cũng sẽ thay đổi từ "trẻ nếm trải hậu quả để nhận bài học" chuyển sang "trẻ cúi đầu trước quyền lực của cha mẹ".
Bất cứ một phương pháp nuôi dạy con cái nào cũng đều có những ưu và nhược điểm của nó. Nếu cha mẹ áp dụng một cách hợp lý, trẻ sẽ học được nhiều bài học.
Giáo sư Cai Dan, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phát triển Trẻ em của Đại học Sư phạm Thượng Hải, Trung Quốc cho biết: "Dạy con kiểu ngược là một cách nuôi dạy con cái hiệu quả, nhưng cha mẹ phải thực sự tin tưởng và ủng hộ con mình".
Trẻ sẽ liên tục sửa sai, tự điều chỉnh bản thân trong quá trình tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Cha mẹ cần phải giúp trẻ tạo ra môi tường để thử sai này.
Giáo sư Cai Dan nói tiếp: "Nếu mục đích của cha mẹ là cố tình trừng phạt con, đó là một phương pháp nuôi dạy con cái không phù hợp, có thể khơi dậy thái độ thù địch của trẻ".
Đây chính xác là những gì xảy ra với người mẹ trong video trên. Trên thực tế, khi đứa trẻ bày tỏ rằng, tay mình lạnh và muốn về nhà ngủ, có nghĩa bé đã nếm trải được hậu quả của mình gây ra. Bé đã biết được bên ngoài vào ban đêm rất lạnh, không có ai trên đường, các cửa hàng đóng cửa, không có gì chơi vui cả.
Sự việc đã có thể kết thúc tại đây, đứa trẻ cũng nhận được bài học. Thế nhưng, người mẹ vẫn cố chấp bắt con chơi tới sáng, rồi quay video cảnh con "đầu hàng" trước quyền lực của mình lên mạng.
Trong trường hợp này, thực ra cha mẹ đang đợi con mình chịu thua và cảm thấy xấu hổ, rồi nhân cơ hội đó để dạy dỗ con. Điều này đã khơi dậy thái độ thù địch của trẻ.
Trong video, trước sự từ chối liên tiếp của người mẹ, đứa trẻ bắt đầu cứng đầu và tiếp tục nói rằng mình sẽ không ngủ tiếp. Cho đến cuối cùng, đứa trẻ không thể chịu đựng được nữa và bắt đầu tức giận, muốn đánh lại mẹ nhưng bị mẹ mắng nên gục xuống góc và chịu thua.
Đứa trẻ mang nặng cảm giác bất lực, bé chỉ mới 2 tuổi nhưng đã trải qua cảm giác bị quyền lực của người mẹ khuất phục.
Dạy con kiểu ngược là để trẻ được giáo dục theo cách gánh chịu những hậu quả tự nhiên do mình gây ra, người mẹ không nên can thiệp thái quá. Mặc dù ban đầu ý định của người mẹ dạy con theo cách này để con nếm trải hậu quả do mình gây ra, nhưng sau đó người mẹ không biết dừng lại đúng lúc nên bị phản tác dụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn