2 gương mặt tiêu biểu của ngành bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc

16:26 | 05/11/2019;
Phụ trách các điểm bưu điện văn hóa xã, huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, chị Dương Hồng Nhung (huyện Lập Thạch) và chị Trần Thị Nghiệp (xã Tam Dương) đã không ngừng đổi mới, đưa doanh thu các của điểm bưu điện trên địa bàn tăng trưởng mạnh, góp phần quan trọng vào doanh thu của đơn vị.
Tăng doanh thu nhờ đa dạng dịch vụ
 
Công việc tại Bưu điện huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đòi hỏi chị Dương Hồng Nhung luôn phải nhanh nhạy, linh hoạt và dành nhiều thời gian để hỗ trợ 16 điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn về mảng kinh doanh, từ việc tìm kiếm khách hàng, chuyển phát, đến các dịch vụ lẻ như: Bán hàng tiêu dùng, bảo hiểm, bưu chính chuyển phát với mục tiêu cuối cùng để nâng cao doanh thu các điểm bưu điện.
 
Chị Dương Hồng Nhung đã đưa tổng doanh thu các dịch vụ bưu chính của khối bưu điện văn hóa xã tăng mạnh

 

Chị Dương Hồng Nhung cho biết: Điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động gồm 3 mảng chính là Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông, nhưng không phải điểm nào cũng phát triển tốt. Vì vậy, ngoài việc xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cần đạt được của từng mảng dịch vụ, chị luôn phải nắm bắt thị trường, thế mạnh của từng địa phương để hỗ trợ phát triển các thế mạnh đó. Bên cạnh đó, cũng cần nắm bắt tình hình thực tế tại các điểm kinh doanh bằng việc cập nhật kết quả kinh doanh hằng ngày và kịp thời phối hợp, hỗ trợ các điểm tháo gỡ khó khăn khi cần thiết.
 
Những năm gần đây, dịch vụ thương mại điện tử bùng nổ nên nhiều doanh nghiệp phát triển cạnh tranh nhau, chị Nhung luôn chủ động, linh hoạt tìm cách làm hiệu quả nhất. Chị thường xuyên chia sẻ, tạo sự lan tỏa đến các nhân viên bưu điện văn hóa xã về sự nhiệt tình trong công việc, chu đáo để tạo thiện cảm, tin tưởng từ khách hàng, sau đó, chính khách hàng sẽ tự tìm đến với các dịch vụ bưu điện.
 
Trên địa bàn có một số điểm bưu điện văn hóa xã khó khăn hơn cả trong hoạt động kinh doanh như: Đồng Ích, Liên Hòa, Xuân Hòa, chị đã hỗ trợ các điểm này phát triển thị trường truyền thống, tập trung vào dịch vụ bán lẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Cũng với sự hỗ trợ tận tình của chị Nhung, trong đợt cao điểm từ 15/7 đến 30/8/2019, các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn huyện đã bán được 7.100 ấn chỉ bảo hiểm xe máy.
 
Tâm huyết với nghề và những nỗ lực của bản thân, chị Dương Hồng Nhung đã đưa tổng doanh thu các dịch vụ bưu chính của khối bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tăng mạnh. Đến hết tháng 8/2019, tổng doanh thu 16 điểm bưu điện văn hóa xã toàn huyện đạt trên 9 tỷ đồng, vượt 39% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó, lĩnh vực bưu chính chuyển phát đạt trên 2,5 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch năm, trung bình mỗi điểm bưu điện văn hóa xã đạt 30 triệu đồng; lĩnh vực tài chính bưu chính đạt 838 triệu đồng, riêng lĩnh vực phân phối truyền thông đạt 5,7 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch năm.
 
Tăng doanh thu nhờ hướng dẫn khách bán hàng online
 
Đó là cách làm của chị Trần Thị Nghiệp, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Năm 2000, chị Nghiệp chuyển công tác về điểm bưu điện văn hóa xã Tam Phúc. Đây là xã thuần nông, địa bàn nhỏ người dân không có nghề phụ, không buôn bán nên việc sử dụng các dịch vụ bưu điện ít, kéo theo doanh thu của bưu điện đạt thấp.
Chị Trần Thị Nghiệp (bìa trái) tăng doanh thu cho bưu điện bằng cách hướng dẫn khách bán hàng online

 

Để tăng doanh thu cho bưu điện, chị Nghiệp đã dành thời gian tìm kiếm khách hàng. Những lúc nhận, phát hàng, chị để tâm tìm hiểu từng đối tượng khách hàng để có cách tư vấn, vận động phù hợp. Nhận thấy, nếu phát triển được nguồn khách bán hàng online, họ sẽ thường xuyên gửi bưu kiện, bưu phẩm với số lượng lớn, nên chị Nghiệp đã vận động, tư vấn cách bán hàng online cho khách hàng, vừa mở rộng thị trường kinh doanh cho khách vừa tăng lượng bưu phẩm, bưu kiện gửi, tăng doanh số cho bưu điện.
 
Từ một khách hàng được chị tư vấn bán hàng online, doanh thu ngày càng tăng, hàng hóa bán rộng khắp các tỉnh trong nước; lượng bưu phẩm, bưu kiện gửi tăng lên, những người dân khác cũng bắt đầu có nhu cầu bán hàng trên mạng, hoạt động kinh doanh phát triển. Nhờ vậy, điểm bưu điện của chị cũng có thêm khách hàng, có thêm doanh thu.
 
Công việc đều đặn, buổi sáng, chị trực tại điểm bưu điện văn hóa xã, buổi chiều chị đi thu gom hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện tại nhà; việc phân loại hàng hóa, bưu phẩm đa phần được chị thực hiện vào buổi tối. Tranh thủ thời gian thu gom hàng, những buổi phát trả lương hưu, những buổi phát trả lương hưu, chị lại tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các dịch vụ của bưu điện.
 
Từ tháng 8/2017, điểm bưu điện văn hóa xã chuyển sang hoạt động theo hướng đa dịch vụ, chị Nghiệp đã nghiên cứu triển khai các dịch vụ có thể phát triển tại địa phương. Đến nay, điểm bưu điện văn hóa xã Tam Phúc có đầy đủ các dịch vụ: Bảo hiểm; bưu chính chuyển phát; bán thẻ điện thoại, hàng hóa tiêu dùng, chi trả lương hưu…
 
Yêu nghề và dành hết tâm huyết cho công việc mình đã chọn, chị Trần Thị Nghiệp là một trong những điển hình của Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc về triển khai điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ hiệu quả.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn