Triển lãm Nghệ thuật minh họa báo chí xuất bản Việt Nam 2023 do Chi hội Đồ họa 2 - Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật (số 16 Ngô Quyền, Hà Nội). Đây là lần thứ 3, triển lãm tranh minh họa báo chí xuất bản được tổ chức (lần đầu vào năm 2012).
Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 1.000 tác phẩm minh họa tiêu biểu với phong cách vẽ đa dạng, phong phú của 55 họa sĩ đến từ khối báo chí và xuất bản trên toàn quốc. Họ là những họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi, nhiều năm nay có tác phẩm xuất hiện thường xuyên trên các trang báo, trang sách xuất bản toàn quốc như Lê Anh Vân, Đặng Tiến, Trần Vinh, Phạm Minh Hải, Phạm Hà Hải, Lê Tiến Vượng, Lê Tâm, Ngô Xuân Khôi, Đỗ Dũng, Phạm Ngọc Mạnh…
Qua những câu chuyện nghề, những chia sẻ kinh nghiệm vẽ minh họa của các họa sĩ, công chúng được tiếp cận những góc nhìn đa chiều về nghệ thuật minh họa của báo chí Việt Nam - một loại hình nghệ thuật đã, đang và vẫn tiếp tục song hành cùng báo chí trong kỷ nguyên số.
Đặc biệt, trong các họa sĩ có tác phẩm được triển lãm, có 2 tác giả đã và đang là họa sĩ của Báo Phụ nữ Việt Nam: Họa sĩ Đỗ Dũng và họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh.
Họa sĩ Đỗ Dũng sinh năm 1956, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1978, từng là Trưởng phòng Mỹ thuật của Báo Phụ nữ Việt Nam. Ông thiết kế, trình bày, minh họa cho nhiều tờ báo như Phụ nữ Việt Nam, Người Hà Nội, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Phụ nữ Thủ đô, Điện ảnh Việt Nam, Vietnamnews… Ông đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và có triển lãm cá nhân với chủ đề Tranh Quan họ. Chia sẻ về tranh minh họa, họa sĩ Đỗ Dũng cho biết: "Tôi thường tìm một hình thức thể hiện từ những tình tiết trong câu chuyện. Đôi khi tính cách nhân vật làm bật ra một cách thể hiện. Như vậy mỗi minh họa sẽ có sự khác biệt. Còn về phong cách, mình cứ vẽ thoải mái sẽ ra bút pháp riêng".
Họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh sinh năm 1978, hiện đang công tác tại Báo Phụ nữ Việt Nam. Anh đã đạt nhiều giải thưởng tranh cổ động toàn quốc các năm từ 2010 đến 2023. Một số tác phẩm của anh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, tranh minh họa từ lâu đã là một yếu tố không thể thiếu của báo chí. Minh họa góp phần làm nên sự sống động, sự thành công của các ấn phẩm báo chí và cùng với nó là sự đóng góp của các họa sĩ vẽ minh họa. Lặng lẽ và âm thầm, các họa sĩ đã để lại nhiều tên tuổi cùng dấu ấn cá nhân của mình qua các tác phẩm vẽ minh họa truyện ngắn, truyện dài kỳ, bút ký, tản văn, thơ… Với họ, vẽ minh họa cho các tờ báo vừa là cái duyên, cái thú vừa là cái nghiệp mà mỗi họa sĩ phải tự tạo nên mình.
Theo bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, người họa sĩ làm báo, về tư tưởng và trình độ phải thông thạo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, các tác phẩm báo chí phải nhanh nhạy vì nhiều sự kiện phải có minh họa luôn, làm cho bài báo rõ hơn và làm phong phú hơn cho bài báo.
Minh họa báo chí làm đường dẫn từ kênh hình sang kênh chữ, vì thường đọc giả xem hình trước khi đọc chữ, vậy nên minh họa cần gợi mở, dẫn dụ, lối cuốn góp phần làm tỏ rõ nội dung câu chuyện trong bài báo bằng hình vẽ độc đáo, hấp dẫn. Vì đọc báo không giống đọc sách, mọi thứ diễn ra rất nhanh nên minh họa cũng cần "nhanh nhất chinh phục độc giả". Họa sĩ vẽ minh họa tha hồ phô diễn tài năng bằng chính nét vẽ của mình, dù là vẽ minh họa cho sách giáo khoa hay tác phẩm văn chương. Các ấn phẩm báo in hơn 100 năm qua đã tạo nên tên tuổi của nhiều người làm báo, nhà văn, nhà thơ và họa sĩ thiết kế, vẽ minh họa báo chí. Có thể nói, báo chí là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, nơi luôn luôn có cặp song hành "nội dung và hình thức", trong đó hình thức bao hàm phần hình ảnh, thiết kế và vẽ minh họa.
Triển lãm Nghệ thuật minh họa báo chí xuất bản Việt Nam 2023 sẽ kéo dài đến ngày 25/6/2023. Trong khuôn khổ của cuộc triển lãm, Chi hội Đồ họa 2 cũng tổ chức 2 buổi tọa đàm chủ đề về nghệ thuật minh họa báo chí vào sáng 18/6 và sáng 25/6.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn