Trong giai đoạn ấu thơ của một người, dấu mốc quan trọng nhất chính là việc bước từ cuộc sống gia đình sang môi trường tập thể. Sống trong xã hội hiện nay, nếu không muốn bị cô lập, chúng ta cần có khả năng giao tiếp và hòa đồng với mọi người.
Tuy nhiên, có những trường hợp đứa trẻ bị đánh giá không hòa đồng lại là điều tốt, chẳng hạn như hai tình huống sau đây:
Trong mắt một đứa trẻ bình thường, phản ứng đầu tiên khi bị yêu cầu làm gì đó phải là nghe lời hoặc hùa theo đám đông thì mới "ngoan" và biết hòa nhập. Nếu không, chúng sẽ bị đánh giá là ương bướng và thiếu sự hòa đồng. Tuy nhiên, một đứa trẻ chỉ biết "vâng lời" sẽ không bao giờ học được cách suy nghĩ độc lập.
Trong nhiều gia đình cũng vậy, không ít em bé được khen ngợi ngoan ngoãn, luôn làm mọi cách để lấy lòng người khác, để được khen ngợi. Từ quan điểm xã hội, đây cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, những đứa trẻ này có thể hình thành tính cách thiếu trung thực.
Chỉ khi đứa trẻ có ý thức phản biện thì mới dám đột phá và đổi mới, có thể dùng tư duy của mình để chinh phục người khác. Khi trẻ chưa có tính tự lập sẽ dễ bị hùa theo đám đông, không duy trì được cái tôi độc lập của mình. Là cha mẹ, chúng ta phải luôn nói với con rằng: "Con có quyền luôn được là chính mình. Tùy trường hợp, con có thể đưa ra ý kiến về người và sự việc nào đó, không cần việc gì cũng phải nghe người khác".
Nếu một đứa trẻ dám đặt câu hỏi và ý kiến trước đám đông, điều đó không chỉ chứng tỏ rằng trẻ có chính kiến của riêng mình mà còn rất chịu khó suy nghĩ. Chúng ta cần khuyến khích trẻ suy nghĩ về vấn đề và mạnh dạn bày tỏ những nghi ngờ, thắc mắc trong lòng. Đôi khi mọi người có thể cho rằng sự thể hiện của con khá "lạc lõng", nhưng bố mẹ hãy tin, kiểu trẻ giỏi tìm ra vấn đề và dám đặt câu hỏi này rất có thể sẽ là một "nhà lãnh đạo" trong tương lai.
Tuy nhiên, tranh luận với cha mẹ hay người khác để bảo vệ chính kiến của mình hoàn toàn khác với việc "trả treo" hỗn hào. Hướng dẫn con làm rõ suy nghĩ của mình, cuối cùng nêu rõ lý do, tranh luận ôn hòa và lịch sự, dần dần phát triển khả năng diễn đạt logic, sẽ rất có lợi cho sự trưởng thành của con sau này.
Khi kết bạn, không cố làm hài lòng ai đó
Mối quan hệ chân thật nhất giữa người với người phụ thuộc vào sự hấp dẫn lẫn nhau, nếu đứa trẻ chỉ làm hài lòng một chiều, thì tính cách sẽ ngày càng nhút nhát, kém quyết đoán và tự hạ thấp mình.
Hãy nói với con: Người bạn không chân thành thích yêu cầu con chiều theo cảm xúc của riêng họ. Chẳng hạn: "Bạn không nghe tôi, tôi sẽ tuyệt giao với bạn"; "Bạn phải chờ đợi tôi, nếu không tôi sẽ không bao giờ thèm đi với bạn nữa"...
Bạn bè thực sự là bình đẳng để sống với nhau, cư xử với nhau lịch sự tôn trọng và có qua có lại. Nếu một người luôn muốn con làm hài lòng họ mà không nghĩ đến cảm xúc của con, người đó không đáng để mình kết nối lâu dài.
Những đứa trẻ khôn ngoan sẽ dùng sự chân thành để gây ấn tượng mà không cố ý tâng bốc, lấy lòng. Khi trẻ gặp phải sự từ chối, hãy khuyến khích trẻ thể hiện bản thân nhiều hơn và tỏa ra năng lượng tích cực để thu hút những người thực sự đánh giá cao mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn