Mùa hè là mùa của các món rau, món canh giải nhiệt, giải ngấy. Trong số đó, canh cua vẫn luôn là món canh rất khác, nó vừa thơm ngọt, vừa thanh mát, vừa dồi dào dinh dưỡng. Có thể nói, canh cua là điểm nhấn cực thú vị trong ẩm thực của người Việt khi sở hữu hương vị rất khác biệt.
Cua đồng chứa vô vàn dinh dưỡng, như canxi, glucid, sắt, phosphor, protid... cùng các axit amin quý báu như lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threoninne và trytophane. Trong Đông y, cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có công dụng bồi bổ sức lực, tán huyết, bổ gân xương, tăng lực, nâng cao sức dẻo dai.
Cua đồng nấu canh vốn đã bổ dưỡng, nhưng sẽ còn thơm ngon hơn nếu như chúng được kết hợp với những loại rau phù hợp, trong đó rau đay và mồng tơi là 2 loại rau thường được nấu cùng với cua đồng nhất.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Thành phần hóa học của rau đay (tình theo %) như sau: Nước 78,3; Protein 5,3; Lipid 0,8; Cellulo 2,5; Dẫn xuất không Protein 10,6; Khoáng toàn phần 2,5. Cả lá, hạt rau đay đều có thể tận dụng để làm thuốc. Lá rau đay vị ngọt, mát. Bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, nhuận tràng và giải nhiệt trong ngày hè nóng bức do hàm lượng chất nhầy trong lá khá cao.
Canh rau đay, nấu mồng tơi, cua đồng rất ngon miệng, mát ruột, đồng thời, tiêu khát, giải nhiệt, chữa trúng nắng. Vì rau đay có nhiều nước, chứa nhiều nhầy, có nhiều đường nên ích lợi cho việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.
Ngoài ra, bạn có thể lấy 200g rau đay đem nấu, luộc ăn hàng ngày để trị táo bón. Mang rau đay 90g, đường phèn đủ dùng, sắc uống càng nhiều càng tốt để chữa ngộ độc cá.
Rau đay có nhiều nhớt, đây chính là một tổ hợp chất sinh học có công dụng kích thích ruột vận động. Đồng thời nhớt còn có tác dụng làm mềm phân, giảm độ táo bón. Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay có tác dụng nhuận tràng tốt. .
Đối tượng đang bị tiểu bí, tiểu đau, tiểu rát ăn rau đay có thể cải thiện bởi rau đay có tác dụng tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài, lại có tác dụng kháng viêm nên giải viêm nhiễm đường niệu. Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay. Cách tốt nhất là dùng rau đay nấu canh và ăn cả nước lẫn cái.
Một bát canh rau mồng tơi nấu cua đồng ngọt thơm, thanh mát là sự lựa chọn lý tưởng cho người Việt trong những ngày hè nóng bức. Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội): Mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa tràng, lương huyết, giải độc, có công dụng chữa nhiều bệnh.
Khi cua đồng giàu canxi, kết hợp cùng rau mồng tơi giàu pectin sẽ tạo thành món ăn rất tốt cho sự trao đổi chất của cơ thể, có tác dụng kích thích tiêu hóa hoạt động trơn tru, nhuận tràng tốt. Không những vậy, pectin trong rau mồng tơi còn ngăn chặn quá trình hấp thụ chất béo, có lợi cho những người muốn giảm cân hoặc bệnh nhân có rối loạn mỡ máu..
Ngoài ra, rau mồng tơi nấu cua đồng còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị táo bón, giúp làm đẹp da, trị đau nhức xương khớp.
- Cua đồng vốn có tính hàn, hạn chế sử dụng cho những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm. Những người dị ứng với cua thì không nên ăn canh cua đồng vì có thể gây sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu. Ngoài ra, những người bị hen, bị gút, bị đau bụng tiêu chảy cũng nên hạn chế ăn món này.
- Không nên chọn cua đã chết để nấu canh. Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng.
- Cua cần được nấu chín kỹ trước khi ăn. Những con cua sống chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh như sán lá phổi, nếu đi vào cơ thể sẽ tấn công lá phổi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, canh cua đồng không nên nấu đi nấu lại nhiều lần vì không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể thịt cua bị biến chất, gây độc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn