Hiện nay, bệnh cúm A tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khi số ca mắc được ghi nhận tại một số cơ sở y tế tăng cao. Các bác sĩ cho rằng đây là điều bất thường bởi thời điểm hiện tại không phải là mùa cúm. Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm do virus cúm (Influenzae) gây ra. Bệnh rất dễ lan truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp người mang bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, người mắc cúm A rất dễ trở nặng. Nguyên nhân là bởi virus cúm luôn luôn biến đổi. Vì thế, đáp ứng miễn dịch chúng ta có được sau khi nhiễm cúm hoặc tiêm ngừa mùa này có thể không còn giá trị với virus cúm (đã biến đổi) mùa sau.
Hơn nữa, bệnh cúm thường không bao giờ gây tổn thương đơn lẻ, mà theo sau nó là nhiễm khuẩn do phế cầu (và các vi khuẩn khác), gây viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm phổi cấp (ARDS), viêm cơ tim, viêm não… và/hoặc đợt bùng phát các bệnh mạn tính.
Các chuyên gia cũng lưu ý, sau khi bị nhiễm virus cúm từ 2 đến 4 ngày, người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng: Đột ngột sốt cao 39-40 độ C, rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân.
Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng viêm long đường hô hấp như: Sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Một số bệnh nhân có thể có viêm thanh khí quản, có tiếng ho ông ổng, mệt nhiều, ăn ngủ kém, môi khô, lưỡi bẩn. Sốt cao liên tục có thể đến 3 - 4 ngày, sau đó sốt lui dần nhưng tình trạng mệt mỏi còn có thể kéo dài hàng tuần sau đó.
Ở trẻ nhỏ hoặc những người có bệnh mạn tính kèm theo có thể bị bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi.
Đa số trường hợp cúm nói chung chỉ điều trị triệu chứng, hạ sốt, bổ sung vitamin... và tự hồi phục.
Thông thường, nếu sau 4 - 5 ngày mà tình trạng sốt không giảm, hoặc xuất hiện ho nhiều có đờm đổi màu, hoặc khó thở… thì người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để phát hiện các biến chứng kịp thời.
Những người có bệnh mạn tính hoặc phụ nữ có thai bị nhiễm cúm nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để xem xét sử dụng thuốc kháng virus (tamiflu) đúng chỉ định. Một số ít bệnh nhân có thể tiến triển nhanh và nguy kịch, sau khi xuất hiện sốt cao, người bệnh vật vã, mê sảng, co giật, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, tím tái... Những trường hợp này cần phải đưa vào bệnh viện điều trị tích cực ngay.
Để phòng ngừa cúm A, người dân nên tiêm vaccine cúm. Hiện nay, tại Việt Nam có 4 loại vaccine ngừa cúm. Tiêm ngừa cúm ngăn ngừa được 90% - 98% nguy cơ mắc cúm đối với 4 chủng virus có trong thành phần vaccine, ngăn ngừa được 60 - 80% nguy cơ nhiễm bệnh chung, tùy thuộc độ tuổi và khu vực lưu hành dịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn