Thận khoẻ mạnh giúp cơ thể thải độc và tràn đầy sức sống cũng như trẻ trung hơn so với những người gặp vấn đề về thận.
Thận yếu hay còn gọi là suy giảm chức năng thận là hiện tượng cơ thể bị mất đi khả năng lọc sạch và bài thải độc tố từ máu. Thận kém có thể xảy ra trong thời gian dài từ nhiều tháng tới cả năm cho tới khi làm các xét nghiệm phát hiện ra bệnh hoặc thông qua các biểu hiện như hơi thở, mùi nước tiểu hay chức năng sinh lý hoặc đau lưng.
Nhưng thường khi quan sát được các biểu hiện phát ra bên ngoài có nghĩa là bệnh đã đang có dấu hiệu chuyển nặng.
Nguyên nhân khiến thận yếu có thể bắt nguồn khác nhau, có thể là do các yếu tố khách quan từ môi trường như nghề nghiệp phải tiếp xúc với các chất độc hại nguy hiểm, môi trường sống ô nhiễm,... hay do biến chứng của các bệnh lý liên quan như ung thư bàng quang, thận bị ứ nước, bàng quang bị viêm nhiễm hay các bệnh về tim mạch, cao huyết áp hoặc tiểu đường.
Thận đóng vai trò lọc máu và thải bớt các độc tố trong máu rồi chuyển tới bàng quang để cơ thể đào thải thông qua đường nước tiểu. Việc thận bị yếu khiến cơ thể không đào thải được độc tố trong máu và có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hôi miệng là tình trạng xảy ra do vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc có thể do bệnh lý. Hôi miệng do bệnh lý hình thành do quá trình trao đổi chất gặp vấn đề, trong đó có sức khoẻ của thận.
Khi quá trình bài thải độc tố khỏi máu bị rối loạn làm cho chất độc bị tích lại nhiều ở gan hoặc đẩy lên trên thông qua hơi thở.
Do vậy khi thấy hơi thở của mình có mùi hôi bất thường mặc dù đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì cần đi khám sức khoẻ và kiểm tra vùng thận đồng thời quan sát xem có các biểu hiện bất thường khác nhau mệt mỏi, suy giảm chức năng sinh lý,... hay không. Nếu tình trạng hôi miệng bị kéo dài quá lâu có thể thận của bạn đang bị tích tụ độc tố quá nhiều.
Bên cạnh mùi hôi miệng kéo dài thì nam giới cũng cần phải chú ý tới mùi của nước tiểu. Nước tiểu nếu có mùi hôi tanh có thể thận của bạn đang gặp vấn đề.
Thường thì nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt và không có mùi quá nồng. Tuy nhiên khi chức năng lọc máu của thận bị suy giảm làm cho nước tiểu tiết ra sẽ có mùi tương đối hôi tanh và nồng nặc tuỳ theo mức độ. Nguyên nhân được giải thích là do nước tiểu bị lên men trong hệ tiết niệu do tích tụ một thời gian dài khiến chúng có mùi tanh hôi.
Ngoài ra nước tiểu có mùi tanh có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Thói quen uống ít nước
- Bị nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng nấm men
- Bị rối loạn chuyển hoá
- Do ăn một số loại thực phẩm gây mùi như hành tỏi hoặc do ăn măng tây ở một số trường hợp
- Đái tháo đường
.....
Tuỳ vào mức độ mà bạn có thể uống nhiều nước và tuyệt đối không được nhịn tiểu trong thời gian dài, điều này giúp thúc đẩy việc bài thải độc tố của thận. Nhưng tốt nhất là bạn nên thăm khám sức khoẻ sớm để có thể được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh cho sức khoẻ bị nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Một số dấu hiệu thận suy yếu khác:
- Tay chân dễ bị lạnh, hay bị rùng mình, dễ bị đau bụng hoặc nhức đầu khi nhiệt độ giảm
- Da dễ bị ngứa rát, phát ban, vàng da
- Nước tiểu màu sẫm, nổi nhiệt bọt, hay tiểu về đêm, đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, tiểu buốt hoặc tiểu rắt
- Chức năng sinh lý bị suy giảm
- Lưng bị đau ở mạn sườn, ở vùng thắt lưng - hông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn