Kỳ thi Cao khảo của Trung Quốc được mệnh danh là một trong những kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất trên thế giới. Để đỗ vào các trường đại học top đầu, học sinh đều phải học tập vô cùng chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Đỗ vào trường top đã rất giỏi và chăm rồi, nếu muốn trở thành thủ khoa tỉnh, thủ khoa trường,... thì các em còn phải xuất sắc hơn nữa.
Chính vì vậy, kỳ thi năm nào cũng vậy, các thủ khoa đều được truyền thông quan tâm, đưa tin sát sao. Cứ ngỡ với năng lực học xuất sắc, các thủ khoa đều sẽ có một tương lai tươi sáng nhưng thực tế lại không được như vậy. Có những người mà cuộc sống của họ rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, khiến chúng ta không thể lường trước được.
Trương Hiểu Dũng (sinh năm 1975, quê quán Hồ Nam, Trung Quốc) từng có một quá khứ đẹp huy hoàng. Năm 1991, Trương tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học đạt 538 điểm. Với số điểm này, anh đỗ vào Đại học Thanh Hoa danh giá, đồng thời là thủ khoa khối Khoa học tự nhiên. Trương Hiểu Dũng quyết định chọn chuyên ngành Công nghệ Sinh học. Đây là chuyên ngành phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 90. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học lên cao hoặc đi làm nghiên cứu ở các công ty nước ngoài.
Thành tích của Trương Hiểu Dũng đã khiến bố mẹ anh nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Dưới sự chúc phúc của mọi người, Trương khăn gói lên Bắc Kinh ăn học, quyết tâm sẽ đạt được thành tựu.
Được biết, Trương luôn ấp ủ ước mơ được làm việc trong một cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia. Thực tế là trong suốt những năm đại học, Trương Hiểu Dũng luôn có thành tích học tập xuất sắc, điểm số ở mức cao và không ngừng cùng các bạn nghiên cứu, học hỏi thêm kiến thức.
Tuy nhiên cuộc sống sau khi tốt nghiệp lại không như Trương Hiểu Dũng mơ tưởng. Sau tốt nghiệp, Trương vào làm việc tại một công ty liên doanh nhưng lại bị phân công vào bộ phận chăm sóc khách hàng, hoàn toàn không phù hợp với chuyên ngành học. Mặc dù không hài lòng với công việc, nhưng Trương vẫn cố gắng duy trì 4 năm với mong muốn ổn định kinh tế và hy vọng được chuyển sang phòng khác phù hợp với chuyên ngành học.
Tuy nhiên bi kịch ập đến khi anh hay tin bố mắc bệnh nặng. Để tiện chăm sóc bố, Trương xin công ty điều chuyển về Hồ Nam nhưng không được chấp nhận. Bất mãn, Trương xin nghỉ việc.
Dù có tấm bằng Đại học Thanh Hoa nhưng khi về quê, Trương không xin được việc làm phù hợp. Anh bị nhiều nhà tuyển dụng từ chối và đành từ bỏ ước mơ làm nghiên cứu. Sau đó, Trương chuyển sang lĩnh vực bất động sản, rồi nhân viên kinh doanh nhưng không theo được vì công việc vất vả mà lương lại thấp.
Cuối cùng, Trương chuyển sang làm lao động chân tay. Hiện tại, anh là nhân viên bảo vệ tại chợ gốm sứ với mức lương là 2000 NDT/tháng (khoảng 6,6 triệu đồng). Câu chuyện của Trương khiến ai cũng tiếc nuối và xót xa.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trương cho hay: "Không phải tôi bị đánh giá thấp, chỉ là do ảo mộng và hiện thực xung đột gay gắt, tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại".
Năm 2006, Lưu Ninh thi đại học đạt 650 điểm, trở thành thủ khoa bài thi Khoa học tự nhiên của một huyện ở vùng Lương Sơn, Tứ Xuyên. Kết quả này giúp Lưu Ninh đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Tất cả mọi người, từ cha mẹ đến thầy cô, hàng xóm láng giềng đều cho rằng Lưu sau này nhất định sẽ trở thành nhân tài, là trụ cột quốc gia.
Tuy nhiên ngay khi vào đại học, Lưu Ninh đã vỡ mộng. Ở nông thôn, Lưu Ninh có thể học giỏi nhất nhưng khi lên đại học, có quá nhiều người giỏi hơn Lưu. Không còn là "ngôi sao sáng", Lưu lúc ấy chỉ còn là một sinh viên bình thường, chưa được tiếp xúc nhiều với máy tính, tiếng Anh. Kết quả là thành tích học của Lưu không được như mong đợi.
Sau khi ra trường, Lưu Ninh được nhà trường bố trí công tác tại tỉnh An Huy. Nhưng trong quá trình làm việc, anh ta chẳng những không tiết kiệm được một xu nào mà còn thỉnh thoảng nhờ bố mẹ giúp đỡ. Tình trạng này khiến ông Lưu Quốc Hoa, bố của Lưu Ninh rất lo lắng.
Tháng 7/2013, ông Lưu Quốc Hoa đưa con trai từ An Huy đến Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên để tìm việc làm. Nhưng lúc này, Lưu Ninh lại chỉ muốn đi làm cho có và thường xuyên bỏ việc sau một thời gian ngắn. Sau đó, vì không có tiền thuê nhà, anh bắt đầu lang thang khắp các con phố ở Thành Đô.
Ông Lưu Quốc Hoa gọi điện cho con trai nhiều lần, nhưng lần nào cũng thấy con xin tiền. Điều này khiến ông Lưu tức giận: Tại sao con trai mình học giỏi, tốt nghiệp trường xịn mà lại lông bông như vậy? Cuối cùng ông không muốn đưa tiền cho con nữa!
Lưu Ninh không một xu dính túi bắt đầu sống đời vô gia cư suốt 4 năm. Tuy vô gia cư nhưng Lưu vẫn rất kiêu kỳ, thường không thèm để ý đến tiền người đi đường cho. Một tình nguyện viên từng định giúp Lưu Ninh tìm việc nhưng anh ta từ chối và cho biết mình hài lòng với cuộc sống vô gia cư, thậm chí còn mắng tình nguyện viện làm xáo trộn cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, sau khi câu chuyện của Lưu Ninh nổi tiếng, nhiều công ty đã tìm đến cố gắng giúp đỡ anh ta thoát khỏi tâm lý bất ổn và tìm lấy một công việc. Cuối cùng, có lẽ cảm thấy cuộc sống vô gia cư đã đủ nên anh ta chấp nhận công việc tại một công ty ở Thành Đô chuyên nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin địa lý với mức lương 2.500 NDT (khoảng 8,2 triệu đồng). Một năm sau, lương của anh ta được tăng lên 3.000 NDT (khoảng 9,8 triệu đồng).
Nói về Lưu Ninh, cư dân mạng Trung Quốc nhận định: Giữa lý tưởng và hiện thực, có người chọn thỏa hiệp, có người chọn trốn tránh. Nhưng cho dù bạn gặp bất kỳ thăng trầm nào trong cuộc sống, thà làm việc chăm chỉ một cách thực tế còn hơn là lãng phí cuộc đời của mình trong sự từ bỏ bản thân. Bởi vì nếu bạn không hành động, sẽ không có kết quả!
Cũng may Lưu Ninh cũng đã tỉnh ngộ và chịu đi làm lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn