Bạn có bao giờ đặt câu hỏi: Thu nhập có ảnh hưởng đến khả năng tìm thấy hạnh phúc hay không?
Câu trả lời của nhiều người có lẽ là: Thu nhập cao đương nhiên có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.
Nhưng thật ra các nhà nghiên cứu đã thông qua các số liệu trên thế giới và thấy rằng sự hài lòng trong cuộc sống của con người rất ít liên quan đến thu nhập trung bình.
Angus Deaton, người đoạt giải Nobel Kinh tế, đã có một nghiên cứu kinh điển. Ông đã tiến hành nghiên cứu trên hơn 450 nghìn người dân Mỹ từ năm 2008-2009 đối với vấn đề thu nhập ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ.
Nghiên cứu cho thấy có một mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc giữa những người Mỹ có thu nhập dưới một số tiền nhất định. Chỉ cần thu nhập vượt quá 75.000 USD/năm (hơn 1,75 tỷ đồng), đa số ai cũng cảm thấy hạnh phúc.
Theo đó, nếu suy xét từ góc nhìn thu nhập có thể quyết định việc bạn có ăn uống đủ đầy hay không, có nhà để sống hay không, vậy thì nó thực sự có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của bạn. Nhưng khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, thu nhập dù có tăng cũng sẽ ít ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc.
Các nghiên cứu và bài báo tâm lý học trong hơn 30 năm trở lại đây đã chỉ ra rằng sự giàu có vật chất không phải là điều kiện cần, cũng không phải là điều kiện đủ cho hạnh phúc. Vì vậy, "phải học trường đại học tốt", "phải có một công việc tốt", "kiếm nhiều tiền”, bạn mới có thể hạnh phúc… Điều này thật ra không quá đúng đắn.
Có 2 lý do chính:
1. Tầm thường hóa hạnh phúc - Không bao giờ biết đủ
Ví dụ, khi thay đổi một chiếc xe mới, bạn đương nhiên sẽ rất vui và hào hứng. Nhưng trải nghiệm này sẽ trở thành tiêu chuẩn, bạn dần thích nghi với sự mới mẻ này, và không còn cảm thấy vui như ban đầu khi có thêm những chiếc xe mới khác.
Từng có bài nghiên cứu ở Trung Quốc phân tích mọi người cần bao nhiêu tiền lương để hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy: những người kiếm được 30 nghìn NDT/tháng (hơn 100 triệu đồng), nghĩ rằng phải kiếm được 50 nghìn NDT/tháng (gần 170 triệu đồng) mới cảm thấy hạnh phúc. Những người kiếm được 10 nghìn NDT/tháng (hơn 33 triệu đồng), lại muốn kiếm được 25 nghìn NDT/tháng (hơn 84 triệu đồng) mới thấy hài lòng. Bất kể kiếm được bao nhiêu tiền, bạn vẫn luôn cảm thấy không đủ.
Một loạt các dữ liệu cho thấy khi chi tiền của vào các trải nghiệm, chẳng hạn như thăm bảo tàng, đi nghỉ biển, hoặc thậm chí mua cho mình một cây kem... bất kể ở mức thu nhập nào, chỉ cần chi tiền cho những trải nghiệm, con người đều dễ dàng có được sự hài lòng. Đặc biệt, nhóm người có thu nhập cao, ngoài chi tiêu vào mua sắm, còn có kỳ nghỉ, tụ tập với bạn bè... nhiều cơ hội mang lại cho họ hạnh phúc hơn.
Daniel Gilbert, một nhà tâm lý học tại Đại học Harvard, đã từng nói: “Chúng ta nghĩ rằng tiền có thể mang lại rất nhiều hạnh phúc lâu dài. Nhưng trên thực tế, nó chỉ mang lại một số niềm vui ngắn ngủi. Một chuyến đi du lịch kết thúc, để những cảm xúc và kỷ niệm tuyệt vời”.
2. Hạnh phúc chủ yếu đến từ sự hơn thua với những người khác
Nghiên cứu cho thấy rằng nếu chúng ta muốn thay đổi cuộc sống thông qua tiền bạc, hoặc là chi tiền cho trải nghiệm của bản thân, hoặc là "hơn thua" với người khác.
Hơn nữa, con người về cơ bản là động vật xã hội, nhiều người sống trong các nhóm lớn, không thể tránh khỏi so sánh với những người khác.
Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu hỏi sinh viên Harvard sẵn sàng nhận mức lương nào?
Một, kiếm được 50 nghìn USD/năm, trong khi những người khác trong công ty kiếm được trung bình 25 nghìn USD.
Hai, kiếm được 100 nghìn USD/năm, trong khi mức lương trung bình của những người khác là 250 nghìn.
Về mặt lợi ích kinh tế, có lẽ ai cũng sẽ chọn loại thứ hai vì lương cao hơn gấp đôi, nhưng hơn một nửa số sinh viên thích chọn loại công việc đầu tiên, bởi vì nếu những người xung quanh kiếm được nhiều tiền hơn mình, họ sẽ cảm thấy không vui.
John Mill, một nhà kinh tế học nổi tiếng, đã từng nói: “Mọi người không chỉ muốn giàu có, mà còn muốn giàu có hơn những người khác”.
Tại sao điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta? Bởi vì luôn có người kiếm được nhiều tiền hơn bạn, luôn có người đẹp hơn bạn, luôn có người sống tốt hơn bạn... Luôn có lý do để khiến bạn cảm thấy không hài lòng, từ đó muốn có nhiều thứ hơn.
Các chuyên gia Canada đã nghiên cứu sinh viên đại học, cung cấp cho những người được phỏng vấn 5 USD/người, có thể mua cho mình một tách cà phê, hoặc cho người khác. Nghiên cứu cho thấy rằng những người được phỏng vấn chi tiêu tiền vào người khác cảm thấy hạnh phúc hơn sau một ngày. Vì vậy, chi tiêu tiền của bạn vào người khác là một cách hiệu quả để hạnh phúc, bao gồm mua quà tặng cho người khác, quyên góp cho tổ chức từ thiện...
Ngoài ra, hãy thử làm quen với khái niệm hạnh phúc thời gian. Mọi người luôn nghĩ rằng hạnh phúc là do tiền bạc, thu nhập, nhưng trên thực tế, thời gian cũng mang lại hạnh phúc.
Sau khi đạt đến một mức thu nhập nhất định, nếu bạn cần phải lựa chọn thời gian và tiền bạc, bạn nên chọn thời gian để tối đa hóa cảm giác hạnh phúc.
Muốn tăng cường tình cảm với người yêu, muốn củng cố mối quan hệ gia đình, muốn có tình bạn lâu dài với người khác, hãy dành thời gian với họ. Tất cả đều có thể cải thiện cảm giác hạnh phúc của bạn. Nếu bạn có thể dùng tiền để mua thời gian dành cho người yêu, gia đình hoặc bạn bè, bạn có thể nâng cao đáng kể chỉ số hạnh phúc của bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn