GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (50 tuổi, quê Quảng Ngãi), tốt nghiệp ngành Hóa học Trường ĐH Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại Trường đại học Y dược Toyama (Nhật Bản). Bà được công nhận phó giáo sư năm 2014 và sau đó là giáo sư vào năm 2020.
"Để trở thành một nhà khoa học thật sự, cần kiên trì theo đuổi đam mê, phải nắm bắt cơ hội và dám đương đầu với những thách thức. Khi hoàn thành một chương trình nghiên cứu, các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con đường mình chọn. Tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu cơ bản của mình có thể phát triển thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc là thuốc điều trị bệnh".
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai
Hiện tại, GS.TS Thanh Mai tiếp tục một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đạt được Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019. Bà đã công bố tổng cộng 135 bài báo khoa học, trong đó 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế.
Đầu năm 2022, ĐHQG TPHCM đã bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM.
GS.TS Thanh Mai còn thường xuyên hỗ trợ và kêu gọi đóng góp từ cựu sinh viên và doanh nghiệp giúp sinh viên triển khai các hoạt động tình nguyện "Xuân yêu thương", giúp đỡ những người nghèo, cơ nhỡ gặp khó khăn; các hoạt động tình nguyện "Mùa hè xanh", mang các kiến thức chuyên môn hỗ trợ trẻ em vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn.
Gần đây nhất, bà đã vận động hỗ trợ vật chất và tinh thần cho sinh viên gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua từ các cựu sinh viên với số tiền gần 400 triệu đồng.
Người thứ 2 được xét tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 là GS.TS Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961, quê ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 31 tuổi, bà được cấp bằng thạc sĩ ngành công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), Thái Lan.
Sau đó, bà trở thành nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Khoa học Sinh học của Trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), Vương quốc Bỉ và được cấp bằng tiến sĩ vào năm 2007.
Năm 2020, bà Nguyễn Minh Thủy đã được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành công nghệ thực phẩm năm 2010 và sau đó là 1 trong số 3 nữ Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm.
Thời gian qua, các nghiên cứu của GS Minh Thủy hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch.
GS Nguyễn Minh Thủy đã công bố 157 bài báo khoa học trong các Tạp chí quốc tế, quốc gia và 33 công trình khoa học trong Kỷ yếu Hội nghị quốc tế và quốc gia. Đã tham dự và báo cáo oral/poster 48 kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Hội nghị quốc tế và 26 kết quả NCKH ở Hội nghị quốc gia về Kỹ thuật thực phẩm.
Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tháng 5/2022) tại Hà Nội.
Cũng trong dịp này, sẽ có 3 nữ sinh được trao học bổng Kovalevskaia năm 2022. Mỗi suất học bổng tương đương 500 USD. Đó là các em: Đặng Minh Ngọc, lớp 12A2 Toán, Trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Nguyễn Hằng Linh, lớp 11A2 Toán, Trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Trần Quỳnh Trang, lớp 10A1 Toán, Trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu được trao tại Việt Nam vào năm 1986. Đây là giải thưởng quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ và là giải thưởng uy tín thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tính đến năm 2020, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã xét chọn và trao giải thưởng cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà nữ khoa học có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên xuất sắc và có ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn