2 phương pháp mới điều trị ung thư dạ dày

16:32 | 16/08/2018;
Với 2 phương pháp điều trị Cắt bán phần trên dạ dày và Cắt gần toàn bộ dạ dày, người bệnh bị ung thư dạ dày sẽ không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị ung thư. Các phương pháp này có thể áp dụng điều trị cho cả những người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn.
Đây là thông tin được TS.BS Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nêu ra tại Hội nghị Khoa học và Đào tạo năm 2018 diễn ra ở bệnh viện từ ngày 13 đến 18/8.
 
Theo bác sĩ Võ duy Long, hiện nay, ung thư dạ là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận khoảng 250 - 300 trường hợp ung thư dạ dày đến điều trị. Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương…
 
Đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị… Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như ói ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng... thì ung thư dạ dày đã bước vào giai đoạn tiến triển.
 
ung-thu-da-day.jpg
Nếu được phát hiện giai đoạn sớm, người bệnh ung thư dạ dày chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không phải hóa trị. Ảnh minh họa

 

Bác sĩ Long cho biết, trước đây để điều trị ung thư dạ dày ở vị trí 1/3 giữa hoặc 1/3 trên của dạ dày, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ dạ dày của người bệnh. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau cuộc mổ. Vì khi dạ dày bị cắt toàn bộ, khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất như canxi, vitamin D, vitamin B12… từ thức ăn không còn như trước, gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất, bên cạnh nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản gây khó chịu cho người bệnh.
 
Hiện tại, khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang áp dụng là Cắt bán phần trên dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày) và Cắt gần toàn bộ dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày). Đây là 2 phương pháp không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày của người bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị ung thư và có thể áp dụng điều trị cho cả những người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn.
 
ts-bs-v-duy-long-ang-phu-thut-ni-soi-d-dy-cho-bnh-nhn.JPG
Bác sĩ phẫu thuật nội soi dạ dày cho người bệnh
 
“Vì vẫn giữ lại một phần dạ dày nên người bệnh có thể bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất, tránh trào ngược, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, Bênh viện Đại học Y Dược TPHCM đã ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị ung thư dạ dày với nhiều lợi ích như sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh chóng”, bác sĩ Long cho hay.
 
Theo bác sĩ Long, để thực hiện đước các phương pháp mới này thì đòi hỏi phẫu thuật viên phải thành thục kỹ năng mổ nội soi cũng như có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật bệnh lý ung thư dạ dày như: nạo vét hạch, thực hiện các miệng nối ở vị trí khó...
 
Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tỉ lệ bệnh nhân bị ung thư dạ dày được điều trị có tỉ lệ sống sau 5 năm đạt đến 75%. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn