Thương mại điện tử là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng các phương tiện điện tử. Một cách dễ hiểu hơn thì thương mại điện tử chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng…
Khi công nghệ 4.0 được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, thương mại điện tử ngày càng phát triển hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp như hiện tại, thương mại điện tử đã trở thành một phương tiện giao dịch quen thuộc của các công ty thương mại lớn trên thế giới. Thương mại điện tử giúp khách hàng mua được sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn. Còn doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của mình đến với thị trường một cách nhanh nhất, bán hàng thuận lợi hơn.
Với các start-up nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng, trong thương mại điện tử, sử dụng thành thạo các công cụ kinh doanh trực tuyến chính là chìa khóa để tiếp cận với khách hàng tiềm năng một cách hữu hiệu nhất. Đặc biệt, nếu bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đã và đang có các sản phẩm được chứng nhận OCOP, nắm chắc những kiến thức về thương mại điện tử, cách xác lập quyền sở hữu trí tuệ, từng bước xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP là điều rất cần thiết.
Đó là lý do Hội LHPN Việt Nam tổ chức 2 chương trình talkshow, để cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho phụ nữ khởi nghiệp. Cụ thể:
Vào ngày 16/8/2021: Talkshow với chủ đề Sử dụng các công cụ kinh doanh trực tuyến (thương mại điện tử) để bán hàng.
Các khách mời tham gia chương trình:
- Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương
- Ông Trần Thanh Tùng (Tùng BT) - nhà sáng lập Monkey in Black, đồng sáng lập dự án giáo dục giới tính online Yêu là đủ, cộng đồng hài độc thoại Sài Gòn Tếu - chuyên gia về marketing trên mạng xã hội
- Ông Vũ Duy Khánh - Sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Ecom Group - Make Ecommerce Easy
- Ông Trần Lâm - nhà Bán hàng xuất sắc, trên Shopee, Lazada - chủ thương hiệu July House (Kinh doanh tinh dầu nguyên chất)
Vào ngày 20/8/2021: Talkshow với chủ đề Xác lập quyền sở hữu trí tuệ, từng bước xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP
Khách mời tham gia chương trình:
- PGS.TS Trần Văn Ơn - Cố vấn Quốc gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
- Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (chuyên gia về chỉ dẫn địa lý).
Chương trình sẽ được phát live trên Kênh youtube của VTC 16, kênh youtube của Đề án 939 và livestream trên fanpage của VTC16, fanpage Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ để "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP". Đây là một trong những hoạt động cụ thể của Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ phụ nữ duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 tiếp tục mang đến một sân chơi để chị em phụ nữ khẳng định bản lĩnh và khả năng của mình. Cuộc thi đã thu hút số lượng tham gia vượt bậc của chị em phụ nữ khắp mọi miền.
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn