Liên hoan phim Quốc tế Las Palmas de Gran Canaria (Tây Ban Nha) lần thứ 21 đã trao giải Golden Lady Harimaguada (giải phim truyện xuất sắc nhất) cho phim "Miền ký ức" của đạo diễn Bùi Kim Quy vào ngày 30 tháng 4 vừa qua. Bộ phim đã vượt qua mười phim truyện và mười một phim ngắn trong phần tranh giải chính thức. Ban giám khảo đã ủng hộ nhà sản xuất Việt Nam vì đánh giá đây là "một bộ phim đặt câu hỏi về sự tồn tại của linh hồn và cái chết trong một nền văn hóa, thông qua các nghi thức tang lễ, trong một xã hội đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại, tâm linh và chủ nghĩa duy vật. Bộ phim có một câu chuyện phức tạp nhưng uyển chuyển và những hình ảnh mạnh mẽ cùng với sự diễn xuất tinh tế, cảm động của dàn diễn viên".
Một nữ đạo diễn cá tính và phong cách
Trong số những nữ đạo diễn của điện ảnh Việt Nam đương đại, Bùi Kim Quy nổi lên như một gương mặt tài năng, có cá tính và phong cách riêng. Vốn xuất thân từ nghề biên kịch, chị luôn tự viết kịch bản và đạo diễn các tác phẩm của mình, từ phim ngắn cho đến phim truyện dài. Do đó, có thể nói, dấu ấn cá nhân trong phim Bùi Kim Quy khá rõ nét, dù đến nay chị mới thực hiện hai phim dài. "Miền ký ức" (Memory land) sản xuất năm 2021 là bộ phim truyện thứ 2 của chị. Bộ phim mới ra mắt đã gây ấn tượng và được chú ý tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Đây được xem là bước trưởng thành của nữ đạo diễn về cả tư duy và cách thể hiện nghệ thuật.
Đạo diễn Bùi Kim Quy đã lựa chọn một thể loại khó là bi kịch (drama), kết hợp với yếu tố tâm lý - tâm linh. Đúng như thể loại bi kịch, bộ phim là một chuỗi những câu chuyện bi thương về cái chết, nỗi đau, sự chờ đợi, phản bội và trả giá. Bộ phim đầy rẫy những cái chết: mở đầu bằng cái chết, tiếp nối bằng nhiều cái chết và kết cục cũng là một cái chết đầy ám ảnh. Chính mô típ (motif) cái chết cùng với yếu tố tâm linh được đan cài một cách hợp lý đã tạo nên cách tổ chức câu chuyện, xâu chuỗi các sự kiện khá phức tạp một cách logic.
Bên cạnh đó, bộ phim còn có sự hòa trộn giữa các đặc trưng của loại hình phim truyện và phim tài liệu: đó là tính hư cấu, huyền ảo và chất hiện thực thô mộc làm nên một phong cách tài liệu - truyện độc đáo. Tuy bộ phim có một cốt truyện rõ ràng và tương đối chặt chẽ nhưng chất tài liệu trong phim vẫn bộc lộ rõ qua những đoạn miêu tả chi tiết, tỉ mỉ nghi thức tang lễ ở nông thôn hay cảnh hỏa thiêu trong đài hóa thân; những cảnh tĩnh kéo dài về những căn nhà bỏ hoang ở ngôi làng vùng trung du Bắc Trung Bộ: những bức ảnh gia đình cũ kỹ, khung cảnh hoang tàn với bàn thờ và bát hương vứt chỏng chơ trên nền đất… Thêm vào đó, dàn diễn viên chủ yếu là không chuyên với cách diễn mộc mạc, đôi chỗ hơi non, vụng lại góp phần không nhỏ tạo nên chất tài liệu thô ráp, hiện thực của phim. Đối lập với sự chân thực mang tính tự nhiên chủ nghĩa của cuộc sống thật trên "dương gian", bối cảnh ở "âm gian" lại được thể hiện theo phong cách ước lệ kiểu sân khấu hóa. Điều đó làm nên sự kết hợp đặc sắc của thủ pháp trần thuật hiện thực (tả thực) với thủ pháp tượng trưng - siêu thực.
Thông điệp về sự rạn nứt những giá trị truyền thống
Không gian trong phim chủ yếu là bối cảnh ở một ngôi làng vùng nông thôn với những ngôi nhà cũ kỹ, vắng bóng người hoặc bị bỏ hoang (trong khi đó khu nghĩa trang của làng lại được xây dựng khang trang với những ngôi mộ to đẹp). Ngay cả bối cảnh ở thành phố cũng được tác giả thể hiện "vắng bóng" con người, chỉ thấy những khối nhà bê tông cốt thép mọc lên che kín tầm nhìn, những dòng xe cộ đông đúc không nhìn rõ mặt người, những tiếng ồn ào như âm thanh nền cho không gian đô thị, những hành khách trên chuyến xe bus không giao tiếp, đối thoại… Nhà làm phim đã triệt tiêu những hoạt động sinh hoạt của đời sống hiện thực, chỉ cho thấy cái vỏ của không gian sống, nhấn mạnh thêm sự cô độc, lạnh lẽo của thế giới người sống. Đối lập với đó là sự gia tăng số lượng người chết và những hoạt động gắn với cái chết. Trong phim có đến 6 cái chết của các nhân vật, cả già cả trẻ với các hình thức khác nhau: người chết vì già, người chết vì tai nạn, người thì bị hành hung, người thì tự tử. Thế giới của người sống ngày càng tiêu điều, hoang vắng, trong khi thế giới của người chết lại "nhộn nhịp" và rực rỡ với đủ thứ vàng mã nhà lầu xe hơi hình nhân được cúng xuống âm gian.
Với thời lượng dài 99 phút, bộ phim chia làm 3 phần Đưa tiễn - Âm gian - Dương gian. Chính thời gian ký ức, thời gian tâm tưởng đã kết nối 3 câu chuyện tưởng như tách rời nhau thành một câu chuyện dài liền mạch, có đầu có cuối. Cậu con trai không muốn thực hiện nguyện vọng mai táng của mẹ sau khi bà nằm xuống. Cô vợ goá của anh công nhân xây dựng trẻ tuổi đưa tro chồng về quê. Người hoạ sĩ mất đi người tình gặp được ở tuổi xế chiều. Từng câu chuyện đột ngột mở ra và khép lại; qua thời gian, những sợi dây móc nối số phận các nhân vật mới dần sáng tỏ.
Nằm ở trung tâm các khúc truyện gối nhau trong "Miền ký ức" là cái chết và những nghi thức đi kèm sự khép lại của một cuộc đời. Chính những nghi thức hướng đến sự thanh thản cho cả người đã khuất và người ở lại này cũng chẳng thể còn nguyên vẹn trước các thay đổi xã hội. Để tiện lợi, nhanh chóng, những người sống (đa phần là người trẻ) ngày càng chuộng cách hỏa táng trong khi các ông bà già vẫn mong mỏi được trở về với đất. Ngay cả cách thức mai táng cũng nhanh gọn, gấp rút theo tốc độ của thời đại mới: một cỗ quan tài đưa vào lò hóa thân, một diễn văn ngắn gọn của nhân viên nhà tang lễ, một phút mặc niệm - quy trình gói gọn lặp đi lặp lại của cuộc tiễn đưa một con người về nơi an nghỉ cuối cùng. Mặt khác, bộ phim không né tránh những khoảnh khắc đời thường, như khi chi phí cho một tang lễ truyền thống được xẻ nhỏ thành từng hạng mục chi li. Những khuôn hình khéo léo - bát cơm kiến bu đầy, chiếc võng mắc không, hoa quả chín rữa - tiếp tục bàn về nỗi tiếc thương, về tính hữu - diệt. Thay đổi cũng hiện lên rõ nét qua tương quan đời sống nông thôn và thành thị: một bên là Hà Nội nhan nhản công trường xây dựng với những con người bỏ làng lên thành phố, một bên là ngôi làng tiêu điều quạnh quẽ chỉ còn toàn người già. Đời sống cũ vẫn tồn tại, nhưng chỉ còn trong miền ký ức.
Có thể nói, "Miền ký ức" đã truyền tải thông điệp về mối liên hệ giữa thế giới người sống và thế giới người chết, khi những người sống thay đổi cách ứng xử với người chết thì cũng là lúc những giá trị truyền thống rạn nứt, đảo lộn, chỉ còn lưu giữ trong những miền ký ức xa xăm, hoang vắng.
Đạo diễn Bùi Kim Quy sinh năm 1983 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Biên kịch năm 2006 và hiện đang là giảng viên tại Khoa nghệ thuật điện ảnh thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Tác phẩm nổi bật:
Phim ngắn: Cái đệm, Đã qua giao thừa
Biên kịch phim: Cưới ngay kẻo lỡ, Lời nguyền huyết ngải, Cha cõng con
Đạo diễn phim: Miền ký ức
Giải thưởng: Giải nhất LHP ngắn Việt Nam 2004;
Biên kịch xuất sắc LHP Việt Nam 2017.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn