20 bệnh viện Mỹ cạn nguồn máu dự trữ do chính phủ Mỹ đóng cửa

18:25 | 14/01/2019;
Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn khoản 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa. Việc này dẫn đến hơn 20 bệnh viện ở bang Louisiana và Mississippi lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn máu dự trữ và mỗi ngày có 50 bệnh nhân không được truyền máu điều trị.
Tổn thất hàng tỷ USD sau 24 ngày chính phủ đóng cửa
 
Tính đến nay, một phần Chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động trong 24 ngày liên tiếp, đánh dấu đợt “đóng cửa” chính phủ dài ngày nhất trong lịch sử nước này. Áp lực đang đè nặng đối với cả Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Quốc hội, trong đó phần nhiều nghiêng về ông chủ Nhà Trắng. Theo cuộc điều tra dư luận mới được công bố gần đây, nhiều người dân Mỹ có xu hướng đổ lỗi cho ông Trump thay vì đổ lỗi cho đảng Dân chủ về tình trạng Chính phủ đóng cửa
 
chinh-phu-my-dong-cua-1.jpg
Chính phủ Mỹ đóng cửa bước sang ngày thứ 24

 

Đã có những tiếng nói từ cả hai đảng, thậm chí từ những người thân tín với Tổng thống Trump kêu gọi chấm dứt bế tắc, đề xuất những giải pháp cho đàm phán giữa hai bên. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, người được biết đến là thân tín của Tổng thống Mỹ đã kêu gọi ông Trump tạm thời mở cửa lại một phần chính phủ đã bị đóng cửa hơn 3 tuần qua. Theo ông Lindsey Graham, tạm thời mở cửa Chính phủ trong một vài tuần sẽ cho phép nối lại đàm phán giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong trường hợp đàm phán thất bại, lúc đó, Nhà Trắng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng chưa muộn.
 
Sốt ruột với tình trạng đóng cửa Chính phủ, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã đề xuất một dự luật nhằm đảm bảo việc trả lương cho các nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc không lương khi chính phủ đóng cửa một phần. Theo dự luật này, khoảng 420.000 nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc khi chính phủ đóng cửa sẽ được trả lương.
 
lindsey-graham.jpg
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cửa lại chính phủ

 

Về phía đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng này trong những ngày qua không ngừng chỉ trích và đổ lỗi tình trạng đóng cửa Chính phủ là do ông Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, người đang vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 kêu gọi chấm dứt tình trạng nhân viên Chính phủ bị “biến thành con tốt” trong cuộc mặc cả về ngân sách liên bang.
 
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng đóng cửa Chính phủ đang gây hao tổn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo ông Beth Ann Bovino, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, với khoảng 1/4 số nhân viên liên bang bị ảnh hưởng, ước tính việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần khiến nền kinh tế này thất thoát 1,2 tỷ USD/tuần và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng nếu thời gian còn kéo dài. Với mức này, trong 2 tuần nữa, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn khoản 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu cho bức tường biên giới với Mexico.
 
Ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội
 
bieu-tinh.jpg
Nhiều công chức Mỹ biểu tình đòi được đi làm trở lại

  

Giới phân tích nhận định, việc chính phủ đóng cửa một phần kéo dài nhiều ngày đang gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nước Mỹ. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo, Mỹ có thể mất xếp hạng tín dụng AAA nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa làm rối loạn chức năng của các cơ quan quản lý, dẫn đến việc vượt quá giới hạn nợ của quốc gia. Hàng trăm người đã biểu tình gần Nhà Trắng để kêu gọi ông Trump mở cửa chính phủ. Tình trạng đóng cửa khiến 800.000 nhân viên liên bang buộc phải nghỉ phép, làm đình trệ các dịch vụ của chính phủ trên cả nước.
 
Công ty bất động sản Zillow ước tính, những người này nợ 438 triệu USD/tháng tiền thuê nhà và các khoản vay thế chấp khác. Tại Washington, nơi tập trung khoảng 20% số nhân viên liên bang, các nhà hàng đang “giậm chân tại chỗ”, dịch vụ taxi đình trệ cũng như hoạt động giao thông im ắng bất thường. Trong khi đó, hãng Bloomberg ước tính, các nhà thầu của chính phủ hiện mất 200 triệu USD/ngày, dẫn đến doanh thu của những “ông lớn” trong ngành quốc phòng như Boeing, General Dynamics và Leidos sụt giảm.
 
mau-du-tru-1.jpg
Nhiều bệnh viện cạn kiệt nguồn máu dự trữ

  

Hơn 20 bệnh viện ở bang Louisiana và bang Mississippi của Mỹ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn máu dự trữ. Nguyên nhân là do những trung tâm điều phối và tiếp nhận hiến máu đang tạm ngừng làm việc do chính phủ Mỹ đóng cửa một phần. Theo tình trạng này, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân không được truyền máu điều trị. Tháng 1 thường là tháng cao điểm trong việc tiếp nhận hiến máu; tuy nhiên, nếu các cơ sở y tế vẫn tiếp tục ngừng hoạt động, việc chăm sóc sức khỏe và cấp cứu cho bệnh nhân ở nhiều bang tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Ngành hàng không Mỹ cũng đang phải chịu tác động không nhỏ từ việc chính phủ nước này đóng cửa một phần trong hơn 3 tuần qua. Ảnh hưởng này có thể nhìn thấy rõ rệt tại sân bay quốc tế Miami. Số nhân viên kiểm tra soi chiếu an ninh không có mặt tại chỗ làm đã tăng gấp 2 lần so với mọi ngày do không được trả lương. Điều này đã khiến sân bay buộc phải đóng cửa một trong số các ga chờ.
 
san-bay.jpg
An ninh hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng

  

Trong khi đó, Hiệp hội Kiểm soát không lưu quốc gia Mỹ đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao liên bang khác sau khi các nhân viên không lưu không nhận được tiền lương dù vẫn đang làm việc tại các sân bay trên phạm vi toàn quốc. Theo Washington Post, hồ sơ khởi kiện được đệ trình lên tòa án Mỹ ở quận Columbia nhằm tìm kiếm một lệnh cấm tạm thời với chính phủ liên bang vì cáo buộc vi phạm các quyền hiến pháp của kiểm soát không lưu được quy định trong Tu chính án thứ 5. Một lãnh đạo công đoàn cho biết, các kiểm soát không lưu đang phát tờ rơi trực tiếp cho hành khách tại các sân bay trên cả nước. Mục đích của việc phát tờ rơi là nhấn mạnh tầm quan trọng trong công việc của đội ngũ kiểm soát không lưu và thúc đẩy chấm dứt việc đóng cửa chính phủ nhanh hơn.
 
Một vụ kiện tương tự liên quan tới chính phủ Mỹ đóng cửa cũng đã được nộp đơn để đòi quyền lợi cho các viên chức liên bang làm việc tại cơ quan tư pháp, nông nghiệp và an ninh nội địa.
 
Hơn 61.000 phi công đã cùng nhau gửi một bức thư cho Tổng thống Donald Trump, yêu cầu lãnh đạo Nhà Trắng chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa vì những cảnh báo về mối đe dọa an ninh trên bầu trời Mỹ. Cơ trưởng Joe DePete, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Airline Quốc tế (ALPA) đại diện cho hơn 61.000 phi công chuyên nghiệp của 32 hãng hàng không trong đó có United, Jet Blue, Delta, Fedex và Virgin America, trong bức thư chỉ rõ, an ninh và mức độ an toàn của không phận Mỹ đang gặp nguy hiểm vì Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn