20 lãnh đạo nữ tìm hiểu thực tế cuộc sống của nữ lao động ngành dệt may

22:25 | 14/06/2019;
Trong khuôn khổ hoạt động của chương trình Hành trình hỗ trợ Lãnh đạo nữ (Woman in Leadership), các nữ lãnh đạo ở 7 bộ, ngành trong hệ thống chính trị Việt Nam đã có chuyến nghiên cứu thực tế về cuộc sống lao động nữ trong ngành dệt may.
Chiều ngày 14/6/2019, 20 học viên tham gia chương trình Hành trình hỗ trợ Lãnh đạo nữ (Woman in Leadership) lần thứ 3, là các nữ lãnh đạo ở 7 bộ, ngành trong hệ thống chính trị Việt Nam cùng các cán bộ lãnh đạo, giảng viên Trung tâm GeLEAD, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và cán bộ nghiên cứu của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) đã có chuyến thăm và nghiên cứu thực tế tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
 
 
4.jpg
Đoàn nghiên cứu đến thăm quan và tìm hiểu thực tế cuộc sống của lao động nữ ngành dệt may

 

Bà Đàm Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 và đại diện các công nhân nhà máy đã chia sẻ với đoàn về cuộc sống của lao động nữ trong nhà máy dệt, những thuận lợi và khó khăn của các nữ công nhân và những chính sách đối với lao động nữ đang được nhà máy thực hiện.
 
 
5.jpg
Bà Đàm Thị Kim Thoa, đại diện Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3, chia sẻ về những chính sách đối với lao động nữ đang được nhà máy thực hiện

 

Lắng nghe chia sẻ của các lao động nữ và ý kiến chia sẻ của các thành viên trong đoàn nghiên cứu, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện tư vấn về An sinh xã hội và Nghề công tác xã hội, đã trao đổi một số giải pháp xây dựng môi trường làm việc thân thiện với giới và đảm bảo công việc tốt hơn cho nữ công nhân.
 
Cũng trong chiều ngày 14/6/2019, đoàn đã đi thăm quan thực tế các phân xưởng trong Nhà máy Sợi Yên Mỹ và tiếp tục thảo luận sâu hơn về các vấn đề giới và lao động ở Việt Nam hiện nay.
 
 
1.jpg
Các nữ lãnh đạo đi thăm quan thực tế các phân xưởng trong Nhà máy Sợi Yên Mỹ

 

Điều phối buổi nghiên cứu và các chương trình thảo luận, TS. Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm GeLEAD, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ, sau khi đi thăm quan thực tế và tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của lao động nữ trong ngành dệt may, các học viên trong Hành trình lãnh đạo nữ không chỉ có thêm kiến thức về cuộc sống của lao động nữ trong công việc, thời gian lao động, lương, chế độ bảo hiểm… mà còn có dịp tìm hiểu thêm về cuộc sống gia đình và những thuận lợi, khó khăn của họ.
 
 
3.jpg

 

 

Từ những tìm hiểu thực tế này, các lãnh đạo nữ sẽ từng bước xây dựng tầm nhìn và kế hoạch lãnh đạo, quản lý, thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với cương vị công tác của mình thông qua việc tham mưu, hoạch định và thực thi chính sách có trách nhiệm giới tại cơ quan công tác trong sự cân nhắc đến những thuận lợi, khó khăn mà các nữ công nhân đang đối mặt trong điều kiện Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn