20 năm đã qua đi nhưng nỗi đau về sự mất mát sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 mãi mãi hằn sâu trong tâm trí của người dân Mỹ. Đây là một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nhân loại, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nước Mỹ và toàn thế giới. 4 chiếc máy bay Boeing của Mỹ đã bị những phần tử khủng bố Al-Qaeda khống chế, biến chúng thành những quả bom, chuyển hướng lao thẳng vào những mục tiêu được xem là biểu tượng của Mỹ: Washington D.C - trung tâm chính trị, Lầu Năm Góc - trung tâm quân sự, tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York - trung tâm kinh tế của nước Mỹ. Chỉ trong vòng 102 phút, cả 2 tòa tháp của WTC đã sụp đổ hoàn toàn.
Sự kinh hoàng và nỗi sợ hãi không chỉ giới hạn trong vài tháng, vài năm mà đã phủ một cái bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ và kéo dài cho đến ngày nay. Tổng cộng 2.996 người đã thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương. Trong số những người bị thiệt mạng, có 1.106 người vẫn chưa được xác định danh tính. Tới nay, bà Barbara Sampson - Người đứng đầu Viện pháp y ở New York - cho biết, quy trình và kỹ thuật được thực hiện trong 2 thập kỷ qua để xác định mọi nạn nhân tại WTC được cho là cuộc điều tra pháp y lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một nhóm các nhà khoa học pháp y vẫn tiếp tục khôi phục các mẫu ADN bằng cách sử dụng công nghệ ngày càng cải tiến.
Thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, thảm kịch 11/9 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Sau 20 năm, hàng nghìn người Mỹ vẫn đang phải gánh chịu những di chứng như ung thư, bệnh nặng do tàn dư của vụ tấn công ngày 11/9.
Theo bà Alice Greemwald, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bảo tàng và Đài tưởng niệm 11/9, 20 năm đã qua đi nhưng nỗi đau về sự mất mát sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 thì mãi mãi hằn sâu trong ký ức của người dân Mỹ và cộng đồng thế giới. Trước lễ kỷ niệm năm nay, Bảo tàng và Đài tưởng niệm 11/9 đã phát động một chiến dịch giáo dục và gây quỹ có tên là "Quỹ Không bao giờ quên". Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được sử dụng cho các chương trình giáo dục người trẻ về cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ và những tác động toàn cầu. Theo bà Greemwald, đây không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần vượt khó bất chấp nghịch cảnh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Những ký ức đau thương không thể bị xóa nhòa nhưng chúng ta có thể giúp đỡ các nạn nhân và những người sống sót bằng cách tìm kiếm sự thật, giúp nâng cao tiếng nói và giữ gìn phẩm giá của họ. Chúng ta phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân và những người sống sót sau khủng bố để họ có thể xây dựng lại cuộc sống và hàn gắn vết thương".
Ngày 3/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp, FBI và các cơ quan chính phủ khác xác định những hồ sơ mật liên quan đến vụ 11/9 nào có thể công bố trước dư luận. Sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp phải công bố các hồ sơ đã được giải mật trong vòng 6 tháng tới.
Thế giới đã xích lại gần nhau để cùng giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như chống dịch bệnh, chống thiên tai, chống đói nghèo, chống chủ nghĩa khủng bố...
Chỉ 1 ngày sau cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ và kinh hoàng nhằm vào WTC, Tổng thống Mỹ G.W. Bush khi đó tuyên bố trước toàn thế giới rằng, Osama bin Laden - chỉ huy mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang được chính quyền Taliban che chở ở Afghanistan - là "kẻ chủ mưu". Ông đã phát động "cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" ở Afghanistan. Với khẩu hiệu mang lại "nền tự do bền vững" cho quốc gia này, Mỹ còn mở đầu quá trình sử dụng sức mạnh quân sự để thiết lập "các thể chế dân chủ" ở các quốc gia trong vành đai địa chính trị Đại Trung Đông.
Cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến từ năm 2001 đến nay, theo thống kê, Mỹ đã phải tiêu tốn gần 7.000 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tài trợ hơn 70 triệu USD cho quân đội Afghanistan cho đến năm nay, bao gồm thiết bị y tế và áo chống đạn. Khoảng 2.800 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan cùng với hàng nghìn quân đồng minh, dân thường, nhà thầu... Nhiều chiến binh trở về nhà với những vết thương về thể chất và tâm lý. Phân tích mới được công bố bởi Tổ chức Giám sát thiệt hại Dân sự Airwars của Anh ước tính rằng các cuộc tấn công của Mỹ có thể đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 22.679 dân thường. Thậm chí, con số này có thể lên tới 48.308 người.
Sau 20 năm nhìn lại, mục tiêu do Mỹ đề ra trong "cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" ở Afghanistan đã thất bại. Taliban chẳng những không bị tiêu diệt mà còn giành lại quyền kiểm soát. Hiện dân số của Afghanistan là 30 triệu người, trong đó có tới hơn 50% sống dưới mức nghèo khổ và 11 triệu người phải đối mặt với tình cảnh mất an ninh lương lực nghiêm trọng. Có tới 3,35 triệu trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú tại Afghanistan (chiếm hơn 10% dân số nước này) cần hỗ trợ dinh dưỡng. Phụ nữ Afghanistan đã có những ngày được sống trong hiện thực đẹp đẽ nhưng mới đây, chỉ chớp mắt một đêm, mọi thứ lại quay về điểm xuất phát trong sự hà khắc vô cùng với phụ nữ của Taliban.
Ngoài ra, các tổ chức khủng bố quốc tế chẳng những không bị triệt tiêu mà còn bén rễ tới nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông - Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí cả ở châu Âu.
Trong vòng chưa đầy 2 năm qua, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản cục diện địa chính trị, kinh tế xã hội và xung đột toàn cầu. Kết quả là đại dịch đã có tác động sâu sắc đến các khuynh hướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến một hệ sinh thái ngày càng mở rộng của chủ nghĩa cực hữu, các nhóm cực hữu da trắng đang tăng tốc sử dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tuyên truyền về một thất bại của nền dân chủ và kêu gọi nổi dậy bằng bạo lực. Interpol cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng ảnh hưởng của các nhóm khủng bố trong đại dịch.
Trên một loạt các nền tảng kỹ thuật số, các nền tảng công nghệ, các mạng truyền thông xã hội cực hữu và các kênh nhắn tin được mã hóa như Telegram, các nội dung cực đoan và các chiến dịch phối hợp đã gia tăng trong đại dịch.
Ở Mỹ, những nội dung như vậy là một cách "rủ rê" tham gia chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nêu rõ cách "người chơi" có thể nhận được "điểm thưởng" bằng cách tấn công các cơ quan thực thi pháp luật, những người theo chủ nghĩa tự do, người Hồi giáo, người Do Thái, người Mỹ da đen và các nhóm khác được họ coi là "kẻ thù".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn