200 nghìn đồng và giá trị của sự sẻ chia

14:06 | 13/09/2024;
Mỗi khi có ai đó thực hiện quyên góp, hoặc gửi lên số tài khoản cá nhân của người cần giúp đỡ, thì số tiền thường xuyên được thấy, khoản giúp đỡ được gửi đi nhiều nhất là 200.000 đồng.

Trong hoạt động thiện nguyện, có những doanh nghiệp đóng góp hàng tỉ đồng, có những nhà hảo tâm quyên góp hàng trăm triệu đồng. Trong bản sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quyên góp giúp đỡ người dân các vùng ngập lụt, có những em nhỏ gửi quyên góp số tiền vài chục nghìn đồng. Tất cả đều đáng quý, đáng trân trọng.

Mỗi khi có một ai đó đưa lên thông tin quyên góp để giúp đỡ một hoàn cảnh hay một chương trình thiện nguyện, có nhiều những tấm lòng cùng chung tay, chung sức. "Mình gửi nhé", "mình xin đóng góp một chút", "mình chuyển khoản nhé, xin có một chút tấm lòng", kèm theo đó là những hình ảnh chụp màn hình việc chuyển khoản.

200 nghìn đồng và giá trị của sự sẻ chia- Ảnh 1.

Tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong khó khăn luôn được phát huy

Trong đó, hình ảnh mà tôi thường thấy nhiều nhất, khoản tiền mà tôi thấy nhiều nhất là 200 nghìn đồng. Mỗi khi có ai đó thực hiện quyên góp, hoặc gửi lên số tài khoản cá nhân của người cần giúp đỡ, thì số tiền thường xuyên được thấy, khoản giúp đỡ được gửi đi nhiều nhất là 200 nghìn đồng.

Ngập lụt xảy ra ở Thái Nguyên, Yên Bái, sạt lở đất xảy ra ở Lào Cai, nhiều người dân phải trèo lên nóc nhà kêu cứu, người dân ở những bản làng phải chạy lên núi lánh nạn. Thiên tai lại thử thách con người. Ngay lập tức, những tấm lòng đã hướng về bà con, nhiều người đã lên đường. "Mình xin đóng góp một chút", và tôi lại thấy nhiều những số tiền 200 nghìn đồng được chuyển để cùng quyên góp mua áo phao, mua nước uống, mua thực phẩm thiết yếu giúp cho người dân vùng ngập lụt.

Tôi cứ suy nghĩ về con số 200 nghìn đồng này.

200 nghìn đồng, một con số không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Nó không quá lớn với mức thu nhập cơ bản, với mức chi tiêu hàng ngày, nhưng cũng không quá nhỏ với người đang khó khăn. Với 200 nghìn đồng, những người đang khó khăn có thể có được vài bữa ăn, có thể mua được một số nhu yếu phẩm thiết yếu. Những người đóng góp, giúp đỡ khoản tiền 200 nghìn đồng, thường hay có thêm chữ "một chút", một cách khiêm tốn.

Trước đây, tôi vẫn luôn nghĩ, làm từ thiện là từ tâm, mình giúp đỡ ai, mình làm điều gì đó tốt đẹp thì cũng không nhất thiết phải để cho người khác thấy, cứ âm thầm cũng được. Nhưng rồi nếu bạn đã từng kêu gọi thực hiện quyên góp ủng hộ, bạn sẽ thấy rằng, có thêm một ai đó hưởng ứng, đó sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc. Những lúc như vậy, bạn sẽ thấy rõ những người "mình đóng góp một chút" với hình ảnh chụp màn hình chuyển khoản 200 nghìn đồng là những sự sẻ chia thật sự, chung tay vào cùng. Những người chụp ảnh màn hình đã chuyển khoản và gửi đi, không hẳn là đang "khoe" tôi làm việc tốt đâu, mà đó là sự sẻ chia thực sự.

200 nghìn đồng và giá trị của sự sẻ chia- Ảnh 2.

Tôi quan sát thấy những khoản 200 nghìn đồng luôn được gửi đi nhiều nhất

Tôi đã từng chia sẻ chương trình Mottainai của báo Phụ nữ Việt Nam. Sau đó, một bạn sinh viên tham gia tình nguyện tại chương trình đã nói với tôi rằng "em có đóng góp một chút ạ, em không có nhiều", và tôi biết khoản tiền bạn sinh viên ấy đã ủng hộ là 200 nghìn đồng. Tôi nói với em rằng rất cảm ơn em, thực sự tấm lòng của em rất đáng quý. Nhiều người cùng đóng góp, mỗi người một chút, và như thế sẽ có nhiều em bé có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp.

Bản thân tôi cũng đã nhiều lần quyên góp số tiền 200 nghìn đồng. Tôi cũng có đắn đo, giá mình có thể quyên góp được một khoản lớn hơn. Nhưng rồi ta thấy quanh ta, một bà mẹ có con đang mắc bệnh hiểm nghèo cần chữa trị, những lớp học vùng cao đang được xây dựng, các em nhỏ cần thêm sách vở, một người đồng nghiệp vừa không may gặp tai nạn…, ta không đặng đành bỏ qua khi thấy một ai đó, một trường hợp nào đó cần hỗ trợ. Tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi, muốn đóng góp được nhiều hơn, nhưng một khoản nho nhỏ, san sẻ ra, và ta có thể giúp được cho nhiều người, thì cũng ổn.

200 nghìn đồng và giá trị của sự sẻ chia- Ảnh 3.

200 nghìn đồng, một khoản mà nhiều người có thể đóng góp được...

Lớp học của con tôi, lớp học của nhiều con của những người bạn bè khác đều đã thống nhất sẽ không tổ chức Trung thu vào dịp này, để dành tiền quyên góp giúp đỡ các bạn nhỏ ở những vùng bị lũ lụt. Trong mỗi lần phát động các chương trình thiện nguyện, đóng góp là tùy tâm, nhưng tôi luôn thấy rất nhiều các khoản 200 nghìn đồng đã được gửi đi. Không có một "hạn mức" cụ thể nào được đặt ra, nhưng đó là một khoản "vừa đủ" mà nhiều người bố người mẹ vẫn đang phải lo cơm áo gạo tiền, lo việc học cho con cùng có thể đóng góp được.

Nhiều những khoản 200 nghìn đồng được nhiều người đóng góp, những "chút nho nhỏ" góp vào tạo thành những "chút lớn", và những nơi khó khăn được hỗ trợ, những người khó khăn được nhận hỗ trợ. Chúng ta cùng sống bằng tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau, cùng nhau đoàn kết trong khó khăn. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn