Theo thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nước ta hiện đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, tỉnh/thành phố. Đặc biệt mức sinh còn cao ở vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, mức sinh giảm thấp và xuống rất thấp ở những vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Thực tế đáng lo ngại khi 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã xuống rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, với quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.
Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước. Đặc biệt, mức sinh thấp, kéo dài sẽ làm suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gia tăng các dòng di cư, tác động đến ổn định xã hội và phát triển đất nước.
"Hãy cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh. Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái" - Đây là thông điệp mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra nhân Ngày Dân số Thế giới, 11/7/2021.
Khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài đã tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm. Số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động-lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội- sẽ ngày càng bị thu hẹp; tỷ trọng người già trong dân số tăng lên trong trong khi số người được sinh ra ngày càng ít đi làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…
Nhằm đạt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, giảm chênh lệch mức sinh, Bộ Y tế được giao công bố danh sách các tỉnh, thành phố theo ba vùng mức sinh để từ đó có những giải pháp phù hợp. Đây sẽ là tiền đề xây dựng chính sách nhằm triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch… tiến tới đạt mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Vùng có mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố;
Vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố;
Vùng đạt mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố.
Với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng trên cả nước, việc các tỉnh, thành phố được xác định thuộc vùng mức sinh nào là một trong những tiêu chí quan trọng, làm cơ sở cho định hướng xây dựng các chính sách, góp phần thực hiện thành công Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để thực hiện tốt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các tỉnh, thành phố cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành để thực hiện các giải pháp giải quyết các vấn đề dân số; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; Bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số; Phân định rõ trách nhiệm của nhà nước; cơ quan dân số và các cơ quan, tổ chức trong quản lý và thực hiện công tác dân số.
Đặc biệt, đối với những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần rà soát, bãi bỏ các chính sách, khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con. Các tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con, đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.
"Cần bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu: duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số", đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn