Chiếc xe cổ gắn bó 2 thập kỷ
Cựu chuyên gia công nghệ thông tin Herman Zapp sinh ra ở San Francisco (Mỹ), chuyển đến Argentina để làm việc trong trang trại chăn nuôi gia súc của ông nội khi còn là một cậu bé. Khi ở Argentina, cậu bé 10 tuổi Herman đã gặp cô bé 8 tuổi Candelaria và hai người đã gắn bó với nhau kể từ đó. Họ kết hôn năm 1996, có công việc ổn định.
Hành trình vòng quanh thế giới của cặp đôi này bắt đầu từ Obelisk, đài tưởng niệm tại trung tâm thành phố Buenos Aires (Argentina) ngày 25/1/2000. Tại đây, có người chào mời họ một chiếc ô tô, mẫu xe năm 1928 của hãng Mỹ Graham-Paige.
"Ghế không đẹp, bộ giảm thanh cũng tệ. Nó còn không có điều hòa. Nó trông không ổn nhưng cuối cùng nó lại thực sự tuyệt vời. Nó có thể chạy ở thành phố, chạy trong bùn và trên cát. Nó giờ trông đẹp hơn nhiều", ông Herman tả. Chiếc xe cổ đã được sửa chữa và đồng hành cùng gia đình suốt 22 năm khi thay 8 bộ lốp và 2 lần sửa động cơ cơ bản. Cốp xe hoạt động như một nơi chứa đồ trong nhà bếp và nhiệt của động cơ xe được sử dụng để nấu ăn hoặc đun nước. Quần áo và dụng cụ được cất dưới gầm ghế. Herman còn chế thêm một tấm bạt phía trên nóc xe để tạo thành một chiếc lều cho những đứa trẻ ngủ.
Họ cũng đã cải tạo xe để tăng chỗ ngồi và không gian. Quy tắc mà cặp đôi phải tuân theo là giới hạn tốc độ 64km/giờ. Chiếc xe đã từng được lái ở độ cao 4.800 mét so với mực nước biển, ở Bắc Băng Dương và trên những sa mạc khô cằn ở Chile.
Trong 22 năm qua, chiếc xe là ngôi nhà thân yêu của gia đình Zapp. Bên hông xe có tấm biển ghi: Một gia đình đi du lịch vòng quanh thế giới. "Đó là một ngôi nhà nhỏ nhưng có sân sau rộng lớn với bãi biển, núi và hồ. Nếu bạn không thích quang cảnh, bạn có thể thay đổi nó", ông Herman (53 tuổi) hài hước nói.
Các thành viên nhỏ của gia đình Zapp lần lượt chào đời trong suốt chuyến đi: Pampa nay đã 19 tuổi, chào đời tại Mỹ; Tehue, nay 16 tuổi, chào đời trong một chuyến thăm lại Argentina. Trong khi Paloma, hiện 14 tuổi, sinh ra ở Canada và Wallaby, nay 12 tuổi, sinh ở Australia. Những thành viên mới nhất là con chó tên Timon và con mèo tên Hakuna. Với những đứa trẻ gia đình Zapp, đó là trải nghiệm khó quên.
Trong suốt hành trình, 4 người con học trực tuyến và được Candelaria tự dạy. Mỗi khi họ dừng lại và ở nơi có máy tính, họ in ra các bài học và dạy cho con. Ông Herman nói: "Còn cách nào giáo dục tốt hơn là để các con tôi được nhìn ra thế giới. Chúng đã học các ngôn ngữ và trải nghiệm nhiều nền văn hóa, tôn giáo, ẩm thực khác nhau".
Tình người và trải nghiệm
Candelaria 29 tuổi khi chuyến đi bắt đầu và hiện 51 tuổi, chia sẻ rằng, khám phá tuyệt nhất là những người họ tiếp xúc trong hành trình 22 năm qua. Bà cho biết, gia đình đã đến không dưới 100 quốc gia dù đôi khi họ phải đi đường vòng vì chiến tranh, xung đột. Gia đình Zapp luôn di chuyển, chỉ dừng lại trong những khoảng thời gian ngắn trên hành trình của họ.
Trong 22 năm qua, họ đã đặt chân tới châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, châu Á và châu Âu. Thời gian dài nhất mà họ đã trải qua là chuyến đi kéo dài 13 tháng vòng quanh nước Mỹ năm 2008-2009. Chuyến đi vòng quanh Nam Mỹ kéo dài từ năm 2005 đến 2007, sau đó là Trung Mỹ, Mỹ và Canada cho đến năm 2009. Chiếc xe đã đưa họ đến Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Họ đã đến đỉnh Everest, ăn trứng vịt ở châu Á, nhảy múa với thổ dân ở Namibia, vào lăng mộ của vua Tut ở Ai Cập và đi thuyền qua nhiều vùng biển.
Đối với họ, 22 năm qua đã mang lại nhiều điều tuyệt vời. Mỗi đêm, 6 thành viên nhà Zapp ngủ trong xe hoặc trong chiếc lều dựng bên cạnh xe của họ. Gia đình Zapp thường lưu trú với tư cách là khách tại nhà của 12.000 người hiếu khách trong hành trình của họ.
"Chúng tôi đang đi tới hồi kết của giấc mơ dài, hay có thể nói là hoàn thiện ước mơ bấy lâu. Chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện và làm bạn với những con người tuyệt vời. Nhiều người đã giúp đỡ chúng tôi chỗ ở, thức ăn, xăng. Tình người thật đáng kinh ngạc. Khi đến Philippines, chúng tôi ở trong ngôi nhà của một gia đình chỉ có một phòng. Họ cho chúng tôi miếng thịt duy nhất để ăn, chiếc giường duy nhất họ có và khi chúng tôi rời đi, họ xin lỗi vì không có thêm các thứ để hỗ trợ", bà Candelaria nói về lòng hiếu khách của mọi người.
Trong hành trình vòng quanh thế giới, ông Herman từng mắc bệnh sốt rét, gia đình lái xe khắp châu Á trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm, phải đối phó với dịch Ebola ở châu Phi và sốt xuất huyết ở Trung Mỹ. Gia đình Zapp còn bị mắc kẹt một thời gian ở Brazil trong năm 2020 vì Covid-19.
Gia đình Zapp đã viết một cuốn sách về cuộc phiêu lưu của họ. Trong chuyến đi đầu tiên đến Alaska, họ đã in cuốn sách đầu tiên "Dream Chaser", cuốn sách bán chạy nhất trong Hội chợ sách quốc tế của Costa Rica. Cặp đôi đã bán được 12.000 bản. Cuốn thứ hai - "Spark Your Dream"- là cuốn sách bán chạy nhất ở Argentina sau khi xuất bản năm 2005. Tiếp đến, cuốn sách có tựa đề "Catching A Dream" bán được khoảng 100.000 bản. Đây là nguồn thu chính cho chuyến du lịch vòng quanh thế giới.
Candelaria cho biết, bà hy vọng cuộc hành trình của họ sẽ truyền cảm hứng cho những người khác thực hiện mục tiêu của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn