2.234 người Ấn Độ bị truyền máu có HIV

14:13 | 02/06/2016;
Trong vòng hơn 1 năm qua, đã có ít nhất 2.234 người ở Ấn Độ nhiễm HIV do bị truyền “máu bẩn” tại các bệnh viện, trong đó số trẻ em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV chiếm 7%, còn phụ nữ chiếm 39%.
Truyền 'máu bẩn" dễ nhiễm HIV cho bệnh nhân 
Tổ chức Kiểm soát AIDS quốc gia Ấn Độ (NACO) cho biết có ít nhất 2.234 trường hợp bị nhiễm HIV do truyền máu khi nằm viện xảy ra từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016, trong đó số trẻ em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV chiếm 7%, còn phụ nữ chiếm 39%. Theo NACO, bang đông dân nhất Ấn Độ là Uttar Pradesh có nhiều người nhiễm nhất với 361 trường hợp, tiếp theo là bang Gujarat (292) và Maharashtra (276), thủ đô New Delhi (264 người). Giới chức y tế Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp mới nhất xảy ra hồi tuần trước ở bang Assam là một bé trai 3 tuổi nhiễm HIV sau khi được truyền máu để chữa trị bỏng.
 
Nhà hoạt động phòng chống HIV/AIDS Chetan Kothari dựa trên đạo luật về minh bạch thông tin nhận định rằng Bộ Y tế lỏng lẻo trong kiểm soát do thiếu ngân sách và sự quan tâm đúng mức trong việc kiểm tra nguồn máu hiến tặng và phòng chống HIV/AIDS tại Ấn Độ, nơi có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh.

“Do ngân sách bị cắt giảm, công tác phòng chống HIV/AIDS đang gặp rất nhiều vấn đề. Những vụ nhiễm HIV do truyền máu đã xảy ra từ rất lâu mà vẫn không bị ngăn chặn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và chính phủ cần có biện pháp khẩn cấp. Tính mạng của người dân đang bị đe dọa và diện đối tượng gặp nguy cơ cao nhất là những người mắc các bệnh đòi hỏi thường xuyên phải truyền máu”, ông Kothari chia sẻ. Theo ông Kothari, số liệu nói trên chỉ là phần từ NACO công bố và trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Giới chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm lan rộng vì nhiều người không biết mình đã nhiễm HIV.
Một y tá đang lấy máu của người hiến tặng
Theo luật, các bệnh viện phải xét nghiệm máu khi có người hiến để đề phòng các bệnh truyền nhiễm, bao gồm AIDS, sốt rét cũng như viêm gan B và C. Tuy nhiên, mỗi lượt xét nghiệm tốn 1.200 rupee trong khi nhiều bệnh viện tại các vùng quê và địa phương nghèo đều có kinh phí eo hẹp nên nhiều nơi phớt lờ.

Đó là chưa kể phần lớn bệnh viện ở Ấn Độ không có thiết bị xét nghiệm máu hiện đại để có thể phát hiệp kịp thời HIV. Ngay tại thành phố lớn như Mumbai cũng chỉ có 3 bệnh viện tư nhân có thể xét nghiệm máu hiệu quả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn