Người trẻ mới ra trường thường chịu định kiến là có thu nhập thấp. Thế nhưng, nhiều Gen Z đã chứng minh bản thân kiếm tiền cực giỏi, thông qua việc chủ động học hỏi và đa dạng nguồn thu nhập. Và khi có nền tảng tài chính tốt, họ không ngại chi mạnh tay để nâng cao chất lượng cuộc sống và lấy động lực thực hiện tiếp các mục tiêu trong tương lai.
Đó cũng là câu chuyện của Anh Duy, một chàng trai sinh năm 2000, đang sống tại quận 2 (TPHCM). So với bạn bè đồng trang lứa, Anh Duy có nguồn thu nhập tốt. Cậu làm nhiều công việc cùng lúc như nhân viên IT ở công ty hàng không, quản lý đối tác tại một công ty công nghệ. Ngoài ra, Duy còn mở kinh doanh riêng và nhận xây website cho local brand.
Cách đây một tháng, Duy vừa trở về TPHCM sau thời gian dài sinh sống tại Hà Nội. Cậu bạn thuê căn hộ 2 phòng ngủ, khoảng 98m2 cho mình và em trai. Mỗi tháng cậu chi khoảng 20 triệu đồng cho căn hộ, riêng tiền thuê nhà là 18 triệu đồng.
Duy chọn thuê căn hộ trống và đầu tư nội thất. Duy nói không nhớ đã mua bao nhiêu món đồ, nhưng nhìn chung số tiền cải tạo nhà thời gian đầu không phải con số nhỏ.
Duy chia sẻ: “Đối với cá nhân mình, tiền thuê nhà nên chiếm tầm 20 - 30% thu nhập là phù hợp, còn trên 50% là có thể rơi vào ‘khủng hoảng tài chính’.
Duy thấy việc đầu tư vào chất lượng sống là hoàn toàn xứng đáng. Duy xem một một căn hộ thực sự là ‘nhà', không phải nơi tạm bợ chỉ để về ngủ, sáng mai lại bật giấc đi làm. Một ngôi nhà thật sự sẽ xua tan mệt mỏi khi tan ca, là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm. Mình sinh sống và phát triển cùng với nó”.
Từng chuyển nhà nhiều lần, Duy đặt ra hàng loạt tiêu chí khi tìm căn hộ thuê. Theo đó, cậu tính căn hộ phải có phong thủy và vị trí địa lý thuận lợi, tốt hơn cả là nằm gần trung tâm thành phố. Đặc biệt hơn, Duy muốn chung cư phải có nhiều tiện ích để bản thân thật sự tận hưởng quãng thời gian sống trong đó.
Sau khi cân nhắc các yếu tố, Duy chọn thuê căn hộ hiện tại. Mặt khác, cách đây 3 năm, cậu bạn từng ở ké nhà chị họ sống trong dự án nên phần nào hiểu được ưu và nhược điểm của căn chung cư.
Duy chia sẻ: “Điều mình thích nhất khu nhà là thư viện hiện đại. Không gian được phủ xanh từ sảnh tới chung cư nên tạo cảm giác luôn trong lành và mát mẻ. Vào buổi tối, nếu mình đi bộ ở tầng 5 hoặc sky lounge ở tầng 23 sẽ thấy cực kỳ mát mẻ. Khu mình ở thì được nhiều celeb chọn. Ở tầng 5, nếu mọi người hay đi tập gym thì cũng thường gặp celeb luôn”.
Căn hộ xinh xắn của Duy
Duy nhớ lại, từ năm hai đại học cậu bạn đã có thể tự chủ tài chính và gửi tiền phụ giúp ba mẹ. Những công việc làm thêm đầu tiên Duy chọn đều là job đơn giản mà sinh viên nào cũng trải qua như gia sư, nhân viên văn phòng… Cho đến khi có nhiều kinh nghiệm, cậu bạn bắt đầu nhận công việc freelancer và cố gắng đa dạng nguồn thu nhập.
Trong những năm sinh viên, Duy thường làm song hành 2-3 công việc cùng lúc. Bấy giờ, Duy nhận làm gia sư cho khoảng 9 lớp, chạy quảng cáo và quản lý kênh social cho các thương hiệu, cũng như chiến dịch quảng cáo. Cứ như vậy, cậu bạn kiếm được 100 triệu đồng đầu tiên ở tuổi 19.
Nói về câu chuyện quản lý chi tiêu, Duy bộc bạch bản thân không phải là người quá tiết kiệm. Cậu nghĩ thay vì cố gắng giảm tiền mua những món đồ này kia thì bản thân chọn tìm cách gia tăng thu nhập. Bởi khi còn trẻ, Duy muốn thực sự tận hưởng cuộc sống và đầu tư những điều giá trị cho cá nhân.
“Duy tiết kiệm bằng cách gia tăng thu nhập hàng tháng của mình (cười). Nghe thì lạ lùng đúng không? Mình thấy nhu cầu của mình không đổi, thậm chí càng ngày càng tăng. Mình không thể nào bớt cái này một chút để bù đắp vào cái kia.
Là một người trẻ Duy thật sự muốn enjoy (tận hưởng) hết mình vào cuộc sống này, nên Duy sẽ chủ động tăng thu nhập để có dư tiền tiết kiệm. Rồi một ngày, mình sẽ thấy số dư tài khoản của mình nhiều lên. Nhưng nhìn chung, hãy chọn cách chi tiêu hợp lý nhé.
Có thời gian mình đã luôn dằn vặt bản thân vì thường xuyên trả tiền cho bữa ăn tại khách sạn và lounge sang trọng. Kiểu như khi nhìn lại, mình thấy chi phí đó bằng công sức đi làm mấy tuần của các bạn đồng trang lứa. ‘Tại sao mình tiêu xài hoang phí như vậy?’, mình từng nghĩ vậy. Cho đến khi Duy nhận ra cần so sánh mọi thứ với bản thân, chứ không phải người khác. Bởi mỗi người đều sẽ có thước đo, hệ quy chiếu khác nhau về tiền”, Duy chia sẻ.
Tự chủ tài chính từ sớm, đã trải nghiệm nhiều nghề và từng làm ở hai miền Bắc Nam - ngần ấy lý do cũng đủ khiến Duy thay đổi rất nhiều về quan điểm chi tiêu.
Đơn cử chỉ riêng khái niệm “độc lập tài chính", thời còn bé, Duy nghĩ đó là việc bạn có thể tự chi trả mọi thứ cho bản thân mà không cần nhận một sự hỗ trợ nào hết. Lớn hơn, Duy cho rằng “độc lập tài chính" là ngoài việc tự lo cho chính mình, bạn cần có khoản dư. Chẳng hạn như khi gia đình cần tiền, bạn có thể đưa ra sự giúp đỡ ngay lập tức mà không cần đi vay mượn hoặc phụ thuộc vào ai.
Còn hiện tại, sau khi bản thân đã trải qua làn sóng sa thải nhân sự, cách nhìn của Duy về khái niệm này lại hoàn toàn khác biệt.
“Từ thời điểm bị công ty sa thải, mình đã nghĩ bản thân cần một cái gì đó thật riêng. Nhìn lại một hành trình dài, mình phát hiện bản thân chỉ đi làm cho người khác thôi. Khi họ không cần mình nữa mà mình không dư đồng nào, lúc đấy bản thân sẽ rơi vào ‘khủng hoảng kinh tế’.
Đó cũng là lúc, mình nghĩ bản thân phải có một cái gì đó riêng, chẳng hạn buôn bán riêng hay tự mở công ty. Lỡ đâu thời tới mình phất lên thì mọi việc cũng dễ dàng hơn. Chứ nếu mình cứ đi làm đều đều, mỗi tháng chỉ nhận được mức lương bấy nhiêu đấy thôi thì không biết sau 15-25 năm nữa, mình sẽ là ai trên chặng đường này”, Duy tâm sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn