24 ngày tuổi đã mắc tiểu đường

09:22 | 12/01/2017;
Khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, BV Nhi Trung ương đang điều trị cho 3 trường hợp mắc tiểu đường sơ sinh khá nguy kịch. Với trẻ nhỏ, mắc tiểu đường rất nguy hiểm nhưng nhiều người không nghĩ trẻ sơ sinh có thể bị bệnh này.
Mới 2 tháng tuổi, bé N.G.H, ở Hưng Yên, phải nhập viện vì liên tục bỏ bú, sốt kéo dài. Các bác sĩ cơ sở y tế gần nhà thăm khám không phát hiện ra H. mắc bệnh cụ thể gì, chỉ chẩn đoán sốt thông thường. Gia đình chuyển H. lên BV tuyến trên xét nghiệm, chụp chiếu. Sau khi thăm khám và xét nghiệm đường máu cho bệnh nhi, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiểu đường sơ sinh và chỉ định chuyển lên BV Nhi TƯ. Bệnh nhi luôn trong ình trạng li bì, khó thở, mất nước nặng.

Bác sĩ đã điều trị hạ đường máu bằng truyền insulin, truyền dịch cho bệnh nhân. “Phải mất gần 15 tiếng cấp cứu tích cực, bệnh nhi mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và được chuyển lên chuyên khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền để tiếp tục điều trị theo chẩn đoán mắc tiểu đường sơ sinh. Hiện mỗi ngày bệnh nhi phải tiêm 4-6 mũi insulin và thử đường máu 5 lần. Một số cháu bắt buộc phải tiêm insulin, trong khi một số bé khác may mắn hơn có thể điều trị bằng thuốc đường uống”, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, BV Nhi TƯ, cho hay.
tieu-duong.JPG
Tiểu đường "tấn công" cả trẻ sơ sinh
Không chỉ bé T.G.H., nhiều trẻ khi nhập viện được chẩn đoán mắc tiểu đường sơ sinh, lúc đó gia đình mới biết. Bệnh thường có những biểu hiện âm thầm, không đặc trưng như đi tiểu nhiều, sốt kéo dài, chậm tăng cân… nên dễ nhầm với các bệnh khác khiến người lớn rất dễ bỏ qua.

“Nếu phát hiện và xử lý không kịp thời, trẻ dễ nguy hiểm đến tính mạng. Đã có không ít trường hợp được đưa đến cơ sở y tế khi đã rơi vào tình trạng nặng, li bì, hôn mê”, bác sĩ Ngọc nói.

Khó phát hiện

BV Nhi TƯ từng phát hiện bệnh nhi mới 24 ngày tuổi mắc tiểu đường sơ sinh. Bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc phát hiện bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh ở Việt Nam là rất khó, chủ yếu do tình cờ qua xét nghiệm đường máu. Như trường hợp trẻ sơ sinh 24 ngày tuổi bị bệnh tiểu đường cũng chỉ tình cờ được phát hiện. Cháu vào khám vì bệnh viêm phổi, đến khi xét nghiệm đường máu mới phát hiện bệnh.

Tiểu đường sơ sinh khác hẳn tiểu đường ở trẻ lớn và người lớn. Trong số những trẻ mắc bệnh tiểu đường sơ sinh, có đến 50-60% nguyên nhân là do đột biến gene gây ra tình trạng tăng đường huyết. Nhưng muốn chẩn đoán đường huyết cao do đột biến gene sẽ phải gửi mẫu ADN đến một số trung tâm chuyên về tiểu đường sơ sinh để tìm ra những gene đột biến. Sau khi đã chẩn đoán đúng bệnh, cần kiểm soát thành công đường huyết của trẻ. Việc điều trị bao gồm 2 yếu tố: Duy trì mức đường huyết tối ưu trong khi vẫn đảm bảo sự phát triển của trẻ. Thời gian đầu, để đạt các mục tiêu này, trẻ phải được thử máu và tiêm thuốc nhiều lần mỗi ngày.

Bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, việc chăm sóc điều trị trẻ sơ sinh bị tiểu đường còn gặp khó khăn là khó tiêm insulin, nhất là liều lượng tiêm mỗi lần rất ít. Hơn nữa, mô dưới da trẻ nơi tiêm insulin lại rất mỏng.

Tiểu đường sơ sinh là bệnh nguy hiểm, rất khó phát hiện và trẻ dễ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết khuyến cáo, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy bé có các biểu hiện như: Cân nặng khi sinh thấp hơn so với tuổi thai, thể trạng mệt mỏi, bú nhiều, tiểu tiện nhiều, sút cân và không tăng cân. Thành công của việc điều trị bệnh tiểu đường sơ sinh phụ thuộc rất nhiều ở khâu chẩn đoán sớm và sự hợp tác của gia đình người bệnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn