Mỗi buổi sáng, khi đi qua trạm kiểm soát của khu dân cư ở Bắc Kinh, bà Wang Yimeng thường hỏi một câu hỏi tương tự với những người làm việc tại đó: "Khi nào trạm kiểm soát sẽ được dỡ bỏ? Khi nào tôi có thể bán đồ ăn sáng trở lại?".
Giống như hàng nghìn người dân ở thủ đô Trung Quốc, người phụ nữ 64 tuổi này kiếm sống bằng nghề bán hàng trên phố. Trước khi các biện pháp kiểm soát được tiến hành, bà kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng, đủ để mua thức ăn và các loại thuốc cho người chồng đang ngồi xe lăn. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi do Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của nhiều người và đảo lộn cuộc sống của bà.
Theo nữ chuyên viên phân tích Dan Wang của Economist Intelligence Unit, sẽ có khoảng 9 triệu người dân thành thị Trung Quốc mất việc trong năm 2020 vì tác động tiêu cực của Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề ra sao từ dịch bệnh.
Không chỉ có Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu đang ngày một cảm nhận rõ những tác động của dịch Covid-19. Một số chuyên gia lo ngại, cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 có thể tồi tệ hơn so với năm 2008. Ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), cô Alejandra Paola Carrera (27 tuổi) lo ngại mình không nhận được trợ giúp của chính quyền do chỉ mới đóng góp vào hệ thống an ninh xã hội từ tháng 7 năm ngoái. "Tiền tiết kiệm của tôi không thể cầm cự quá 1 tháng nữa. Tôi thuê trọ với 3 người khác. Chúng tôi đều lâm vào tình cảnh giống nhau: công việc tạm bợ lại còn mới bị sa thải", Carrera cho biết cô đã mất việc văn phòng vào đầu tuần này.
Còn Viviana là một người mẹ đơn thân ở Barcelona. Cô đối diện với thách thức phải nuôi sống bản thân và con gái 3 tuổi trong khi đã đánh mất công việc tuyển dụng cho một công ty bất động sản. "Số tiền kiếm được trong những ngày cuối cùng không đủ cho tôi đóng tiền nhà, điện, nước. Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cứu lấy bản thân và con gái", bà mẹ 31 tuổi chia sẻ.
Cô Mika Nakajima, nhân viên bảo tàng và là mẹ đơn thân của một cậu bé 15 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Nhật cho biết, cô đã sử dụng hết những ngày nghỉ phép để ở nhà chăm sóc cha mẹ già và con trai. Cô đang đứng trước nguy cơ mất việc nếu tiếp tục nghỉ thêm. Ở tuổi 47, Nakajima nói rằng cô không có hy vọng tìm được một công việc mới nếu bị sa thải.
ILO ước tính, tổng mức thiệt hại về thu nhập của người lao động toàn cầu lên tới 3,4 nghìn tỷ USD. "Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế, nó đã trở thành cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường lao động và kinh tế", ILO đánh giá và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác đề ra đối sách. ILO cảnh báo, 25 triệu người sẽ thất nghiệp do Covid-19. Tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều, càng làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Theo ông Hamish Doulass - Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách đầu tư của Magellan Financial Group, quy mô gói tài chính cần thực hiện để chống lại tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế có thể tương đương với 30% sản lượng toàn cầu, khoảng 26 nghìn tỷ USD.
Mỹ hiện đang ở trong tình trạng đóng băng tuyển dụng. Nhiều người trong số những người mất việc sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc mới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ kết hợp với Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp, giúp họ vượt qua 90-120 ngày sau đó. Quy mô chương trình hỗ trợ tài chính này có thể lên tới 4.000 tỷ USD. Chương trình cho vay này sẽ được thực hiện cùng gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ.
Châu Âu cũng đã "bơm" hàng trăm tỷ Euro để giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế, cũng như nới lỏng các quy định giúp người lao động xin trợ cấp thất nghiệp và giúp các công ty có thể cầm cự, duy trì được nguồn nhân lực hiện tại. Những người ký hợp đồng ngắn hạn gặp khó khăn trong việc xin trợ cấp và nhóm này chiếm tỷ lệ ngày càng cao ở châu Âu.
Ở Italy - tâm dịch của châu Âu (59.138 ca nhiễm, 5.476 ca tử vong), chính quyền đã tiến thêm 1 bước, họ cấm sa thải nhân viên từ ngày 23/3. Tuy nhiên, do quy mô của cuộc khủng hoảng xảy ra trên diện rộng, quá nhiều doanh nghiệp đang chen nhau để được chính phủ "cứu vớt".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn