Thấy con gái khóc nhưng không còn sức để ẵm bồng, Hồ Thị Tú Anh (20 tuổi, trú thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ biết ngồi lặng, dựa người vào cửa sổ, hướng đôi mắt mệt mỏi nhìn con, nước mắt lại chảy dài trên gò má khô gầy.
Tú Anh thì thào: "Từ chỗ em ngồi đến chiếc võng nơi con nằm chỉ cách nhau vài bước chân, nhưng sao với em bây giờ lại trở nên xa xôi và khó khăn đến thế? Em muốn đến bên con mà không đủ sức để đi nữa rồi".
Bê bát cháo vừa nghiền nhuyễn, bà Hồ Thị Châu (58 tuổi, mẹ nuôi của Tú Anh) đút cho cháu ngoại ăn. Bé Khánh Nhi (5 tháng tuổi) nằm ăn một cách ngon lành. Vì mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nên từ khi chào đời cho đến nay, bé Nhi phải uống hoàn toàn sữa ngoài. Mấy tháng nay không còn tiền mua sữa thường xuyên nữa, bà Châu đành chắt nước cơm và nấu cháo nghiền nhuyễn đút cho cháu ăn.
Clip: Tâm sự của Tú Anh và người mẹ nuôi.
Bà Châu kể, tuổi thơ của bà cũng gánh chịu nhiều bất hạnh khi bố là liệt sĩ. Lên 9 tuổi thì mẹ đi lấy chồng. Bà sống nay đây mai đó, khi ở với ông bà nội, khi thì ở với mẹ và dượng.
26 tuổi bà Châu lấy chồng, mang thai một lần nhưng bị sẩy. Cũng từ đó, đợi chờ mỏi mòn nhưng vẫn không có con, chắt góp được đồng nào, vợ chồng bà vay mượn thêm đi điều trị hiếm muộn. Thế nhưng 4 năm, 7 năm rồi… 13 năm khát khao làm mẹ vẫn không thành hiện thực.
"Tôi còn nhớ buổi chiều 25/11/2003, trên đường vào TP Vinh điều trị hiếm muộn thì phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cạnh gốc cây bên đường. Nghĩ là duyên số nên tôi đã xin chính quyền nhận cháu bé làm con nuôi.
Tú Anh vừa 6 tháng tuổi thì vợ chồng tôi ly hôn. 2 mẹ con thui thủi sống bên nhau. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng tôi xem Tú Anh như con ruột của mình", bà Châu kể lại.
Năm 13 tuổi, Tú Anh phát hiện có khối u như quả trứng gà ở lưng và được kết luận bị "ung thư phần mềm". Em nghỉ học, theo mẹ ra Hà Nội phẫu thuật khối u và vào hóa chất.
Tháng ngày sống với bệnh tật cứ thế trôi qua. Rồi Tú Anh phát hiện có thai với một người bạn. Bác sĩ nói em mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu, mang thai sẽ ảnh hưởng tính mạng cả mẹ lẫn con.
"Em bất chấp, từ chối mọi phác đồ điều trị để con được chào đời khỏe mạnh. Đây là điều duy nhất em có thể làm cho mẹ. Mẹ không sinh ra em nhưng cưu mang, chịu khổ vì em cả cuộc đời rồi. Mẹ chỉ có em là người thân duy nhất. Nếu em chết, mẹ sống với ai? Em hi vọng sau này con em sinh ra sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mẹ", Tú Anh nói.
Mang thai 5 tháng, cơn đau liên tiếp hành hạ nhưng Tú Anh vẫn gồng mình chịu đựng, không uống thuốc giảm đau. Đến tháng thứ 6, bác sĩ phát hiện bệnh di căn, có một khối u ở thận. Tú Anh được chuyển vào bệnh viện tỉnh theo dõi.
"Bác sĩ khuyên, thai khoảng 29 đến 30 tuần nên phẫu thuật nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sợ con sinh non sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, Tú Anh cầu xin để mang trong bụng ngày nào cứng cáp thêm ngày đó.
Đến ngày thứ 270 (9 tháng), không còn sức chịu đựng nữa, con mới chấp nhận phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ gọi tôi vào khuyên nên chuẩn bị tinh thần vì rủi ro đến 80%, nguy cơ 2 mẹ con tử vong trên bàn mổ là rất cao vì khối u ở thận đã quá lớn, sợ vỡ", bà Châu kể lại.
Rồi phép màu xảy ra, bé Khánh Nhi chào đời nặng 2,9kg khỏe mạnh. Tú Anh cũng từng ngày vượt qua cơn nguy kịch.
"Khi con vừa chào đời được 18 ngày thì khối u ở thận bị vỡ, Tú Anh được phẫu thuật nhưng không hi vọng gì. Bác sĩ trả về vì không còn khả năng cứu chữa. Thế nhưng, phép màu lần thứ 2 lại xảy ra với mẹ con tôi", bà Châu kể tiếp.
Con bệnh, cháu thơ, bà Châu không thể làm gì kiếm thu nhập, cuộc sống chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp 540.000 đồng/tháng của Tú Anh. Để có tiền điều trị cho con suốt 7 năm qua, bà Châu đã vay mượn trên 400 triệu đồng.
Mỗi tháng chỉ tính riêng tiền sữa của bé Nhi đã hết gần 5 triệu đồng, tiền thuốc hàng tháng của Tú Anh, chi tiêu sinh hoạt…
"Bác sĩ nói buồng trứng của em lại xuất hiện một khối u, khuyên em nên nhập viện để điều trị. Em không nhập viện nữa, muốn để tiền mua sữa cho con.
Có những hôm em đuối sức, không thể ăn cháo được nữa, lo sợ cái chết cận kể, em nhờ mẹ xay nhuyễn cháo rồi nhắm mắt uống. Đến giờ đi ngủ, em lại bật báo thức, cứ 2 tiếng đồng hồ báo một lần. Em sợ "ngủ quên" sẽ không bao giờ gặp con được nữa", Tú Anh nghẹn ngào.
Nói về tâm nguyện của mình, Tú Anh nhìn con: "Em không biết mình còn sống được bao lâu nữa. Đau đớn mấy em cũng chịu được, chỉ sợ chết. Em chết rồi mẹ và con gái của em sẽ thế nào đây? Xin cho em được sống bên con thêm một thời gian nữa".
Mọi giúp đỡ cho mẹ con Tú Anh xin gửi về địa chỉ: Hồ Thị Tú Anh, thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Hoặc qua STK của bà Hồ Thị Châu (mẹ nuôi Tú Anh): 3604205108132, ngân hàng Agribank, ĐT: 0364.792.098.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn