Hệ lụy từ đại dịch Covid-19
Ông Beasley nhận định, năm 2021 thực sự sẽ rất thảm khốc khi tại hàng chục quốc gia, nạn đói đang "gõ cửa". Ông lưu ý rằng, trong 4 năm qua, do các cuộc xung đột vũ trang, số người trên bờ vực chết đói đã tăng từ 80 triệu lên 135 triệu.
Đại dịch Covid-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm. Nhiều người dân trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo cùng cực. Vì Covid-19, số người chết đói sẽ tăng từ 135 triệu lên 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch. Nạn suy dinh dưỡng có thể tăng 80% vào cuối năm nay bắt nguồn từ những hệ lụy của đại dịch Covid-19 cùng với bất ổn và di cư khiến nhiều nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng.
Ông Beasley cảnh báo nạn đói đang được sử dụng như một vũ khí chiến tranh và xung đột. Ông cho rằng việc không đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân sẽ gây ra nạn đói, thậm chí còn tồi tệ hơn cả tác động của đại dịch Covid-19. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột bạo lực kết hợp với đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói.
Ngay tại các quốc gia châu Âu, Covid-19 cũng khiến cho nhiều người lâm vào hoàn cảnh phải sống dưới ngưỡng nghèo. Tại Pháp, các hiệp hội cứu tế đều báo động tình trạng số người khó khăn sống nhờ thực phẩm các hiệp hội cứu trợ đã tăng nhanh trong thời gian qua. Theo Viện thống kê Pháp (INSEE), hiện ở Pháp có khoảng 5 triệu người sống nhờ thực phẩm được cứu tế. Đại dịch Covid-19, kéo theo đó là các biện pháp hạn chế phòng dịch, đặt biệt là 2 đợt phong tỏa kéo dài, khiến nhiều người đã nghèo càng thêm khốn khó, nhất là những người làm các công việc theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, những lao động không có trình độ... Nhiều nhóm ngành nghề, nhất là những người làm nghề tự do, giới tiểu thương, nhà hàng, văn hóa, du lịch... cũng lâm cảnh bế tắc.
Tại Anh, Tổ chức từ thiện Trussell Trust cho biết, các ngân hàng lương thực ở nước này đang hoạt động hiệu quả trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân ở Anh rơi vào cảnh nghèo đói do tác động của đại dịch Covid-19. Theo tổ chức này, mức sử dụng các ngân hàng lương thực tại Anh đã tăng 47% trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua, vượt xa so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình mỗi ngày, các ngân hàng lương thực đã cung cấp 2.600 gói lương thực khẩn cấp cho trẻ em trong tổng số hơn 1,2 triệu gói lương thực cấp cho những người gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng chưa từng có, do tác động của các lệnh phong tỏa. Theo ước tính, hiện Anh có khoảng 4 triệu trẻ em đang sống trong cảnh nghèo đói và một phần ba trong số đó phải sống dựa vào những bữa ăn miễn phí ở trường. Đại dịch đã khiến nhiều phụ huynh ở Anh mất việc làm hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập bị ảnh hưởng, không bảo đảm được cuộc sống.
Cần thu hẹp khoảng cách đói nghèo về giới
Theo báo cáo "Tổng quan về viện trợ nhân đạo toàn cầu" hằng năm của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021, tăng tới 40% so với năm ngoái. Báo cáo cũng dự tính cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh vào năm 2021, tăng 40% so với năm 2020.
Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó quá trình hồi phục bị kéo dài, cho rằng đại dịch hiện nay có thể đẩy thêm 207 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và làm gia tăng số người nghèo là nữ giới. IMF dự báo rằng, 80% cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra sẽ tiếp diễn trong 10 năm tới do năng suất lao động sụt giảm, từ đó cản trở sự phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Trong năm 2020, các nước đã chi kỷ lục 17 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo tập thể, đáp ứng 70% số người nằm trong diện cần viện trợ, tăng 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng khoản viện trợ này chưa bằng một nửa nhu cầu thực tế là 35 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói lan rộng, chống đói nghèo và giúp trẻ em được đến trường. Do đó, LHQ kêu gọi các nước giàu trên thế giới đóng góp tài chính mạnh mẽ hơn. LHQ cũng cho biết việc đóng cửa các trường học đã ảnh hưởng đến 9/10 học sinh trên toàn thế giới, với gần 24 triệu trẻ em có nguy cơ không thể quay lại trường học trong năm 2020.
Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho rằng nếu tập trung cao độ vào việc đạt được các mục tiêu SDGs, thế giới có thể giúp 146 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực, thu hẹp khoảng cách đói nghèo về giới và giảm số người nghèo là nữ giới. Các nước cần phối hợp để thúc đẩy cả chính phủ và người dân cùng hành động như cải thiện hiệu quả trong quản trị, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm, năng lượng và nước sạch. Đề xuất cũng tập trung vào sự hợp tác toàn cầu về hành động chống biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư vào quá trình hồi phục sau đại dịch và cần cải thiện khả năng truy cập băng thông rộng cũng như đổi mới công nghệ.
Nghiên cứu của UNDP tập trung vào những ảnh hưởng của đại dịch đối với sự nghèo đói, giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bình đẳng giới - các vấn đề được đề cập trong các mục tiêu về con người của Chương trình nghị sự 2030. Dự kiến, vào đầu năm 2021, UNDP sẽ có các nghiên cứu tiếp theo về tác động của đại dịch đối với các khía cạnh khác của Chương trình nghị sự 2030, trong đó tập trung vào sự thịnh vượng, hòa bình và hành tinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn