Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đang tích cực chuẩn bị các tài liệu liên quan để có thể thống nhất mức thương lượng bằng tiền, bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho các đương sự trong vụ án oan 28 năm giết chồng, giết cha của gia đình bà Đặng Thị Nga, xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết, tổng số tiền bồi thường mà gia đình bà Đặng Thị Nga yêu cầu trong đơn là hơn 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại buổi thương lượng lần đầu tiên diễn ra vào ngày 18/5 vừa qua, hai bên mới bước đầu thống nhất được việc Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ bồi thường số tiền hơn 3,5 tỉ đồng cho gia đình.
Số tiền này bao gồm: thiệt hại về tinh thần cho ba người con: Trịnh Huy Dũng, Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Việt Vương; tiền bồi dưỡng thiệt hại do tổn hại về sức khỏe đối với bà Nga trong 28 năm; chi phí phục vụ cho đoàn công tác khai quật, giám định, mai táng, thuê luật sư; phí thăm nuôi; phí ngày đọc quyết định đình chỉ điều tra, công khai xin lỗi; phí đi vay tiền để kêu oan, chữa bệnh. Riêng đối với trường hợp ông Trịnh Công Hiến (đã chết), số tiền thương lượng bồi thường lần đầu cho tổn hại sức khỏe, chi phí kêu oan, chữa bệnh từ năm 1992 đến lúc chết là 185 triệu đồng.
Đối với số tiền yêu cầu bồi thường còn lại (khoảng 14 tỉ đồng) mà hai bên chưa thỏa thuận xong, gồm các nội dung như: tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần; bồi thường thu nhập thực tế bị giảm sút; bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm bị mất cho cả cuộc đời bà Nga và 3 người con chưa thành niên; bồi thường thiệt hại do bán mảnh đất… là do các bên có sự khác biệt trong việc đề nghị áp dụng các quy định pháp luật về bồi thường.
Cụ thể, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, trong khi đó gia đình bà Nga đề nghị áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 để giải quyết bồi thường oan sai.
Theo ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, nhưng phải đến ngày 1/7/2018 mới có hiệu lực. Do đó, để việc bồi thường đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan sai, hiện Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên đang tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị các tài liệu liên quan để thống nhất mức bồi thường thiệt hại với gia đình vào buổi thương lượng tiếp theo, dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới.
Ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, nói: "Bây giờ có 10 khoản mà đương sự đang yêu cầu nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật nên chúng tôi không thể chấp nhận được. Ví dụ yêu cầu bồi thường về danh dự, nhân phẩm mất cho cả cuộc đời của 3 đứa con mà chưa thành niên của bà Nga thì pháp luật không quy định như thế. Còn quan điểm của chúng tôi là giải quyết càng nhanh càng tốt và trên tinh thần cố gắng làm sao đó tạo điều kiện tốt nhất cho đương sự, tốt nhất cho người dân nhưng nó phải phù hợp quy định của pháp luật”.