Gia đình chị Bắc có tất cả 5 thành viên gồm bố chồng, 2 vợ chồng chị và 2 con đang học cấp 2. Trước đây, khi thịt lợn chưa tăng giá, mỗi ngày đi chợ chị vẫn cố tằn tiện khoảng 200 ngàn đồng/ngày 2 bữa. Tính ra mỗi bữa ăn chính của gia đình, chị thường chi tiêu hết khoảng 100 ngàn đồng/bữa.
"Riêng bữa sáng thì mình không tính vì ai thích ăn gì thì ăn. Các cháu đến trường thì mình cho mỗi con 10 ngàn đồng để mua xôi, bánh mỳ. Còn sữa thì mỗi con 1 hộp mang đi. 3 người lớn còn lại, mình tận dụng đồ ăn thừa ngày hôm trước để rang cơm, nấu mì tôm trứng, nấu cơm sáng ăn cho tiết kiệm. Nói chung 1 ngày mình chỉ chi tiêu trong khoảng 200 ngàn tiền thức ăn thôi", chị Bắc nói.
Tuy nhiên, suốt từ vài tháng nay, do giá thịt lợn tại các chợ dân sinh tiếp tục tăng mạnh, thậm chí nhiều lần, giá thịt lợn nạc vai chạm mốc 200-220.000 đồng/kg. Chính bởi thế, có thời điểm chị Bắc buộc phải tăng tiền ăn lên 300 ngàn đồng/ngày.
"Trước cả gia đình 5 người chỉ mua khoảng 70-100 ngàn thịt lợn là đã có thể chế biến 1 bữa nướng hay kho tàu ăn đề huề. Giờ 5 người nhà mình phải mua 120-150 ngàn tiền thịt thì mới có thể ăn thoải mái", chị Bắc kêu ca.
Cứ mỗi lần đi chợ mua thịt, chị Bắc lại thấy xót ruột khi phải cắn răng "móc ví". Sau đợt dịch Covid, do thu nhập của 2 vợ chồng chị bị giảm đi, chị Bắc không thể tăng tiền ăn như trước được.
Chị lại phải cố gắng đưa mức tiền ăn về 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng áp dụng triệt để mấy cách chi tiêu sau khi đi chợ để bữa cơm vẫn đầy đủ thịt cá, dưỡng chất cho gia đình:
Theo chị Bắc, hiện nay, giá thịt lợn tại chợ dân sinh thời gian này tăng chóng mặt, có những ngày giá thịt lợn loại thịt nạc vai đã chạm mốc 200.000 đồng/kg.
Giá thịt mông cũng từ 170 - 180.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ từ 160-180 ngàn đồng tùy theo dải thịt dài ngắn. Nếu mua dải thịt ba chỉ ngon, ngắn, nạc thì phải bán 185.000 đồng/kg. Dải thịt dài, nhiều mỡ thì mềm giá hơn, từ 175 - 180.000 đồng/kg. Sườn non: 220.000 đồng/kg, các loại xương cục đều tăng giá.
Do đó thay vì ăn ba chỉ ngắn hay nạc vai hoặc sườn non như mọi ngày, những tháng vừa rồi chị Bắc chuyển hướng sang ăn thịt lợn đông lạnh để có mức giá rẻ phải chăng.
Theo đó, bà nội trợ này cho biết, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ Canada, Brazil, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ và Liên bang Nga với giá trung bình khoảng 60.000 đồng/kg tùy loại sản phẩm. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn nội địa có bán trên thị trường.
"Mình mua thịt đông lạnh xuất khẩu từ các cửa hàng bán thịt heo đông lạnh hoặc ở trong siêu thị thấy giá rất phải chăng. Chẳng hạn ba chỉ heo 150-160.000 đồng/kg, thịt thăn 150-160.000 đồng/kg, sườn non 139.000 đồng/kg, móng giò 42.000 đồng/kg, chân giò 69.000 đồng/kg, cốt lết 88.000 đồng/kg,... Mức giá thịt lợn đông lạnh này rẻ hơn hẳn so với thịt tươi bên ngoài mà vẫn đảm bảo về chế biến thơm ngon, chi phí hợp lý", chị Bắc kể.
Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao, người tiêu dùng như chị Bắc cũng đã chuyển dần sang ăn nhiều thịt gà, vịt, thịt ngan hơn. Điều này giúp chị Bắc vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt, gia đình chị lại được thưởng thức thoải mái.
Chị Bắc cho biết, với mức giá thịt lợn hiện tại, người tiêu dùng có thu nhập thấp như vợ chồng chị không thể ăn nhiều thịt lợn như trước được. Bởi thế chị phải đổi thói quen sang sử dụng nhiều thịt gà, ngan, vịt, trứng, cá hơn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
"Thời gian đầu khi mới chuyển sang thay đổi thói quen ăn thịt lợn sang thịt gà, vịt, ngan, các thành viên trong gia đình mình cũng cảm thấy chán và trống vắng khi thiếu hụt thịt lợn. Song mấy tháng nay gia đình mình ăn cũng đã quen. Mình cứ mua gà, vịt, ngan và liên tục thay đổi cách chế biến cũng như phối hợp thực phẩm khác như cá, tôm, cua, trứng để nấu những món ăn ngon bình dân, đổi món. Mọi người ăn nhiều hơn và thoải mái hơn", chị Bắc bộc bạch.
Người phụ nữ này cũng khẳng định, giá cá, gà, vịt, tôm, trứng... ăn vừa rẻ hơn thịt lợn vừa tốt cho sức khỏe. Vì thế những ngày này chị coi đây là lựa chọn khá hợp lý để thắt chặt chi tiêu.
Trong khi thu nhập không tăng, thậm chí bị hụt đi 1 chút, chưa kể mặt hàng thịt lợn (một thực phẩm thiết yếu) đã tăng quá cao nên bà nội trợ này cũng phải tự chi tiêu thông minh hơn.
"Trước đây thay vì hay ăn sườn hoặc thịt nạc vai, giờ mình chuyển hướng ăn những phần thịt lợn giá rẻ mà dôi thịt hơn khi chế biến. Chẳng hạn giờ mình mua xương cục, xương hom chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/kg. Xương cục heo gồm toàn bộ phần xương heo sau khi đã lóc bỏ thịt, gân, cơ, mỡ bán trên xương. Vì thế mình mua về dùng để ninh nước dùng, nấu lẩu, cháo, phở, nấu cháo, soup, nấu các loại canh rau củ... đều rất ngon ngọt hoặc mua phần thịt đầu rồng cũng rất dôi thịt mà giá lại rẻ", chị Bắc kể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn