Đề cập đến chủ đề “Sống xanh” người ta thường nhắc tới 2 phạm trù chính là sống trong môi trường “thiên nhiên xanh” và “xã hội xanh”.
Để trả lời cho câu hỏi của rất nhiều phụ huynh và các thành viên tham dự diễn đàn về việc cha mẹ cần phải bảo vệ thiên nhiên xanh như thế nào để có thể trở thành gia tài cho con? Họ có thể áp dụng những kinh nghiệm nào để dạy con biết ứng xử có trách nhiệm với môi trường? Làm cách nào để con biết tôn trọng các giá trị của cộng đồng...? Theo diễn giả, Thạc sĩ Trần Văn Hùng: “
Có 3 cách đơn giản, dễ nhớ mà bố mẹ có thể thực hiện đó chính là An toàn thực phẩm; Sống thân thiện/bảo vệ môi trường và Xử lý rác thải”.
“Về vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là việc cha mẹ cần lựa chọn những nguồn thức ăn sạch cho bữa ăn gia đình; Phải luôn dạy trẻ rửa tay trước khi ăn; Phải cho con gội đầu, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.
|
Cha mẹ cần phải luôn chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong gia đình. |
Khi giúp con sống thân thiện với môi trường, cha mẹ nên tăng cường các hoạt động đưa con về với thiên nhiên, tham dự các khóa du lịch xanh để con được khám phá, hòa mình vào đất đai, cây cối, sông, suối biển hồ…
|
Cho trẻ cơ hội khám phá đất đai, cây cối |
Tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động mít tinh, diễu hành lên tiếng phản đối việc phá hoại môi trường, để cho chính trẻ được nói lên tiếng nói kêu gọi mọi người “Không chặt phá cây xanh!”, “Đổ rác đúng chỗ!”, “Không ăn thịt thú rừng!”... – điều này thường khiến trẻ nhớ được rất lâu về nghĩa vụ, trách nhiệm cần phải bảo vệ môi trường sống.
|
Khuyến khích trẻ được trực tiếp cất lên tiếng nói, kêu gọi mọi người hãy hành động để bảo vệ môi trường. |
Còn trong môi trường gia đình, chúng ta cũng có thể bắt tay vào việc xây dựng một không gian sống xanh, sạch đẹp. Hãy động viên, giúp con trồng một cây xanh trong nhà (dù là bất kỳ vị trí nào như ngoài vườn, ban công, trong chậu cảnh, trên bàn học…) để con có thể nuôi dưỡng chúng, kèm với các bài học dễ hiểu về việc cây xanh cung cấp oxy giúp con người có bầu không khí trong lành, rằng “Ai trồng cây, người đó có gió mát”, “Ai trồng cây, người đó có cả một cánh rừng”...
|
"Dạy con trồng cây, con sẽ có gió mát" |
Đặc biệt, cha mẹ cũng luôn phải gương mẫu trong việc xử lý rác thải, không xả bừa bãi, không quăng sang phía nhà hàng xóm, ngoài đường, hay khi đi trên xe ô tô thì cũng không được phép mở cửa kính vứt rác cho vèo một cái… Khi dạy con tiết kiệm các nguồn năng lượng, chính chúng ta cũng cần phải có ý thức tắt tất cả các công tắc điện, vòi nước khi không sử dụng. Mỗi khi con viết, hoặc cha mẹ cần giấy để in, thì nên tiết kiệm, luôn phải dùng đủ 2 mặt (vì đa số giấy là được làm từ cây rừng). Hãy lấy dẫn chứng cho con hiểu hiện tại giá tiền để mua 1 lít nước uống có giá trị cao tương đương bằng giá tiền mua 1 lít xăng (và trong thực tế thì không ai tự nhiên đem đổ đi 1 lít xăng, vì vậy con cũng không được phép đổ một cốc nước đi một cách dễ dàng). Cuối cùng, cha mẹ cũng cần cảnh báo cho trẻ hiểu, nước là nguồn tài nguyên quý giá (có thể sẽ còn quý hơn kim cương). Nước không vô tận và nếu chúng ta sử dụng lãng phí, nó sẽ đến ngày bị cạn kiệt…”.
|
Thạc sĩ Trần Văn Hùng từng học tập tại Đức và Ba Lan. Anh từng là Chuyên gia bảo mật TD Bank, Toronto, Canada; Giám đốc GPSG IBM tại Việt Nam; Phó hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Trãi; Trợ lý Hiệu trưởng trường Đại học FPT. Từ năm 2008 đến nay, Thạc sĩ Trần Văn Hùng là người sáng lập và trực tiếp giảng dạy tại Lớp học xanh Sơn Nam, chuyên xây dựng tâm hồn trẻ thơ, xây dựng chương trình giáo dục sống xanh… Anh cũng là một chuyên gia về giáo dục trẻ khó (trẻ nghiện games, trốn học, bỏ nhà, tự kỷ, trộm cắp)… |