Nhân Ngày của Mẹ, tại TPHCM, dự án "Love Your Body - Yêu bản thân" thuộc tổng dự án "Mẹ bầu phải đẹp - Mẹ bỉm phải xinh" đã chính thức ra mắt bộ ảnh "Mẹ là người phụ nữ đẹp nhất". Bộ ảnh được thực hiện dành riêng cho những mẹ sinh mổ với sự tham gia của 13 mẹ, có mẹ sinh mổ lần đầu cũng có mẹ sinh mổ lần 3. Mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện đầy cảm động về tình mẫu tử.
Đứa sinh ngược, đứa sinh ngang
Chị Lê Thị Thu Thủy (quận 8, TPHCM) là một trong số các bà mẹ tham gia dự án"Love Your Body - Yêu bản thân", chị là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Kể lại những ngày tháng sau sinh chị Thủy vẫn không hiểu được bản thân đã lấy đâu ra nhiều sức lực đến vậy. Chị Thủy cho biết, đứa con đầu tiên của chị phải sinh non. Lúc thai nhi gần 27 tuần, chị bị rỉ nước ối và nhiễm trùng nước ối. Nhờ can thiệp của y khoa nên con chị được sinh thường nhưng sinh ngược, con sinh ra chỉ nặng 1kg.
"Lúc đó tôi bị stress nặng, bé sinh non quá nên bác sĩ nói khả năng sống sót rất thấp. Con tôi nằm lồng kính 1 tuần, sau đó cho mẹ vào thực hiện phương pháp da kề da, tôi phải "ấp con" trong thời gian 2 tháng liền ở bệnh viện Hùng Vương. Con sinh ra chưa biết uống sữa nên tôi phải nhỏ từng giọt. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, sau 2 tháng ở bệnh viện Hùng Vương, con được xuất viện về nhà thì tiếp tục bị bệnh khó thở. Tôi phải cho con nhập bệnh viện Nhi đồng TPHCM và tiếp tục ở viện 3 tháng. Trong đó, có 2 tháng con phải thở oxy. Như vậy sau khi sinh, con tôi phải nằm bệnh viện gần nửa năm mới được nhà và bắt đầu nuôi như một em bé mới sinh bình thường khác".
Đến đứa thứ hai, chị tiếp tục gặp rất nhiều gian nan. Bởi lẽ, khi thai nhi sang tuần thứ 18 chị mới biết mình có thai. Chị Thủy trải lòng: "Đứa thứ hai cũng gian nan không kém đứa đầu. Vì là mẹ đơn thân nuôi con nên tôi không có ý nghĩ sinh thêm con, tôi thấy mình cực quá rồi. Nhưng con là cái duyên. Khi tôi phát hiện trễ kinh thì đi thử thai nhưng vẫn chỉ có 1 vạch, tôi đã thử lại rất nhiều lần sau đó nhưng vẫn cho kết quả không có thai. Sau đó, tháng thứ 3, tôi lo lắng nên đi khám và siêu âm nhưng bác sĩ vẫn kết luận không có thai. Cho đến khi thực hiện xét nghiệm máu mới biết thai nhi đã sang tuần thứ 18. Ở giai đoạn chuyển dạ, lúc cửa tử cung của tôi mở 4 phân thì thai nhi vẫn xoay đầu ngôi thuận nhưng khi mở được 8 phân thì thai nhi chuyển sang nằm ngang. Vậy nên bác sĩ đã chuyển tôi lên phòng mổ".
Chị Thủy cho biết thêm, trong suốt thời gian thai kỳ, chị bị bệnh lao phổi nên thường xuyên bị ho. Sau khi sinh con xong chị phải đeo khẩu trang suốt nửa năm và không cho con bú sữa mẹ. Chữa khỏi bệnh chị mới dám tiếp xúc với con.
"Nếu như thông thường người ta sẽ khóc, còn tôi thì không dám khóc vì sợ bị yếu đuối và không thể nào chăm được con. Vậy nên tôi luôn tự bao bọc một lớp bên ngoài. Nhưng sau tất cả tôi cũng vượt qua. Hiện nay, cả 2 bé đều khỏe mạnh, một bé trai 11 tuổi và bé gái 4 tuổi".
Huyết áp thai kỳ ở chỉ số cao bất thường
Chị Đặng Phan Quỳnh Mai (sinh 1976, quận 5, TPHCM) cho biết, dù đứa con út của chị năm nay đã gần 4 tuổi nhưng vết sẹo sinh mổ và cân nặng của chị vẫn chưa giảm xuống. Lúc chưa sinh con cân nặng của chị là 48kg, sau khi sinh 3 đứa con, giờ chị nặng gần 70kg. Cả 3 lần mang thai chị đều bị bệnh huyết áp thai kỳ cao, dẫn đến nhiễm độc thai nhi. Nên 2/3 người con của chị phải sinh non.
"Chắc tôi là một người mẹ đặc biệt, 2 đứa con đầu sinh cùng 1 năm, đứa sinh đầu năm đứa cuối năm. Giờ đây 2 cháu cùng học 1 khối. Còn bệnh huyết áp cao trong thai kỳ với nhiều người nếu ở chỉ số bất thường như tôi lúc đó là không sống được chứ nói gì sinh con. Đứa con út tôi phải sinh mổ vì cơ thể bị phù nề, cân nặng lên rất nhiều, huyết áp cũng tăng lên. Bác sĩ đã mổ lúc thai 7 tháng tuổi. Giữa những lúc bế tắc, tôi luôn sinh nghĩ tích cực và tôi đã qua được nhiều lần cửa tử thần".
Hầu hết các bà mẹ đều từng ghét bỏ bản thân họ, họ cảm thấy xấu xí vì vết sẹo như một con rết rất ghê sợ, nhưng họ đã vượt qua vì vết sẹo đó như là chiến tích rất vĩ đại đánh dấu thiên chức của người phụ nữ.
Vết sẹo thời gian
Chị Lê Hoàng Yến (Gò Vấp, TPHCM) cũng là mẹ sinh mổ tham gia dự án cho biết: Sau khi sinh con chị gặp rất nhiều biến cố. Chị bị tiền sản giật. Tiếp nối là con khó nuôi nên chị không có thời gian chăm sóc cho bản thân, sau sinh chị nặng 80kg. Con sinh mổ nên thường xuyên bị bệnh về hô hấp, viêm amidan, bị sốt co giật. Càng buồn hơn là chồng ngoại tình.
"Bất cứ ai đã trải qua ca sinh mổ đều có thể nói rằng nó thật đáng sợ. Đẻ mổ không hề giống như một ca phẫu thuật đã được lên kế hoạch trước và được chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng. Tôi đã không có sự lựa chọn tốt hơn khi rơi vào tình trạng đẻ mổ. Bởi vì con trai của tôi bị nhau thai quấn cổ và ngôi thai ngược, cộng thêm xương chậu hẹp. Chuỗi thời gian tôi nằm trên giường mổ để bác sĩ gây tê màng cứng, từng đường dao sắc lẹm tôi đều cảm nhận rõ", chị Yến bộc bạch.
Có lẽ nhờ sức mạnh của tình mẹ mà chị Yến đã cùng con vượt qua mọi khó khăn. Giờ đây con trai của chị khỏe phát triển bình thường. Hơn thế, con chị còn phát triển nổi trội về tài năng chơi đàn Piano và tham gia nhiều hoạt động xã hội ngay từ khi còn nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn