3 cây bút nữ trong trào lưu phê bình sinh thái

14:58 | 06/11/2019;
Có lẽ, hơn ai hết, phụ nữ là những người thường chịu nhiều thiệt thòi và cũng là người nhạy cảm với nỗi đau trong đời sống nên sớm có ý thức và có sự nung nấu tâm can đến nỗi bất an sinh thái. Phụ nữ mà làm văn chương, sự nhạy cảm ấy càng nhân lên bội phần.

Trần Thị Ánh Nguyệt với những khám phá mới mẻ 

Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái tuy đứng tên hai người, nhưng PGS.TS Lê Lưu Oanh chỉ là người hướng dẫn tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt, như trong Lời giới thiệu GS.TS Trần Đình Sử đã nói rằng: “Quyển sách thoát thai từ luận án tiến sĩ này lần đầu tiên đã giới thiệu một cách cụ thể lý thuyết phê bình sinh thái trên thế giới và Việt Nam, cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hướng phê bình này, từ giai đoạn mục ca, đồng quê đến giai đoạn hình thành chính thức, nói rõ khái niệm và tiêu chí về văn học sinh thái và phê bình văn học sinh thái, từ đó triển khai một hệ thống nội dung hấp dẫn”.

Ba cây bút nữ trẻ tuổi quan tâm đến môi trường sinh thái trong văn chương và trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực này

 

Sách dày gần 300 trang, ngoài phần phụ lục, gồm có 4 chương mà chỉ cần đọc tên các chương cũng có thể nhận ra nội dung cuốn sách có tính đột phá mới mẻ, vừa mạnh dạn vừa ướm thử thăm dò, thể hiện khát vọng say mê nghiên cứu, tư duy khoa học chặt chẽ và những đóng góp có giá trị học thuật của nữ tác giả trẻ Trần Thị Ánh Nguyệt. 

Có thể nhận ra rằng, ở chương 1, tác giả chỉ giới thiệu lướt qua các khái niệm và lịch sử mối quan hệ con người và tự nhiên, nhưng những khám phá mới mẻ có giá trị học thuật, mang cảm quan nữ tính, thể hiện bản lĩnh của một nhà khoa học là ở 3 chương sau, nhất là ở chương cuối, khi tác giả “kiến lập cảm quan đạo đức” nhằm xác định sự trở lại và nối dài diễn ngôn lãng mạn về tự nhiên và nhận diện mẫu hình nhân cách mới cho chủ nghĩa nhân văn sinh thái. Là một công trình khoa học xác đáng, còn được tôn cao vẻ đẹp cảm quan sinh thái, bởi những bức tranh phụ bản rất “hót” hiện nay của tác giả trẻ, nhà văn - họa sĩ Lê Minh Phong. 

Nguyễn Thị Tịnh Thy với tổng kết và cổ vũ cho phê bình sinh thái        

Giống như Trần Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng  là một giảng viên đại học, giảng dạy văn học nước ngoài và từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Mặc Ngôn (in thành sách có tên là Tự sự kiểu Mặc Ngôn, 2013), bỗng nhiên chuyển hướng sang nghiên cứu về phê bình sinh thái. 

Công trình Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương của cô khá đồ sộ, dày gần 550 trang, ngoài lời giới thiệu của PGS.TS Đỗ Lai Thúy, lời nói đầu của tác giả, thay lời kết và phần phụ lục (chiếm hơn 100 trang), sách cũng có bốn chương. Chương 1: Các khái niệm tiền đề, tác giả dành để lý giải ở cấp độ lý thuyết 16 khái niệm liên quan đến sinh thái, môi trường, văn hóa, nhân văn. Chương 2: Văn học sinh thái, người viết tiếp tục giải thích các thuật ngữ tương cận, để xác định nội hàm và phạm vi văn học sinh thái, đồng thời hết sức tinh tế để chọn lựa và khái lược mười tác phẩm văn học sinh thái kinh điển của thế giới như Cuộc sống ở rừng (1854, Henry David Thoreau), Niên giám xứ cát (1949, Aldo Leopold), Cư dân của tuần lộc (1952, Farley Mowat), Một mùa trong hoang dã (1968,  Edward Abbey)... 

Chương 3: Phê bình sinh thái, từ khái niệm, lịch sử phát triển, tác giả đi sâu phân tích nội dung các đặc trưng, những hạn chế và bước đường hoàn thiện của phê bình sinh thái. Chương 4: Thực hành nghiên cứu, là sự vận dụng lý thuyết vào thực hành phê bình các tác phẩm của các nhà văn thời danh như Trần Duy Phiên, Nguyễn Khắc Phê ở Việt Nam, Khương Nhung ở Trung Quốc và thơ Haiku của Nhật Bản. 

Đáng lưu ý là công trình của Nguyễn Thị Tịnh Thy, không chỉ dày về số trang, có sự tra cứu rộng rãi về nhiều lãnh vực khoa học liên quan đến môi trường sinh thái, không gian tồn tại của con người và tự nhiên, mà còn có sự tổng kết và cổ vũ cho trào lưu sáng tác và phê bình sinh thái học. 

Hoàng Tố Mai với những tổng thuật văn chương sinh thái thế giới 

Phê bình sinh thái là gì? do Hoàng Tố Mai làm chủ biên, nhưng có sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ như Phạm Phương Chi, Đặng Thị Thái Hà, Lê Quốc Hiếu, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Trường Sinh, chỉ là công trình dịch và tổng thuật những thành tựu từ nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn chương sinh thái trên thế giới. 

Trong hơn 350 trang sách, những vấn đề mới mẻ và nóng bỏng đang lay chuyển đời sống văn học toàn cầu, gắn liền với các tên tuổi lớn như Peter Barry (Phê bình sinh thái là gì?), Kate Rigby (Phê bình sinh thái trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu), Richard Kerridge (Môi trường luận và phê bình sinh thái), Keren J. Warren (Tự nhiên như là một vấn đề nữ quyền: thúc đẩy nữ quyền luận sinh thái bằng cách thu thập dữ liệu thực nghiệm một cách nghêm túc), Karen Laura Thomber (Những môi trường sinh thái, những mơ hồ về môi trường và các nền văn học)... 

Những phân tích sâu sắc, có giá trị học thuật và vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, một nền văn học dân tộc, có thể trở thành bài học cho nhiều nền văn học. Tiếc rằng, như trong lời cảm ơn cuối sách, chủ biên Hoàng Tố Mai đã rào đón: “Vì dung lượng cuốn sách có hạn nên chúng tôi vẫn chưa thể khái quát được đầy đủ sự phát triển của phê bình sinh thái cũng như trường ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới”. 

Có lẽ, hơn ai hết, phụ nữ là những người chịu nhiều thiệt thòi và cũng là người nhạy cảm với nỗi đau trong đời sống, nên sớm có ý thức và có sự nung nấu tâm can đến nỗi bất an sinh thái. Phụ nữ mà làm văn chương, sự nhạy cảm ấy càng nhân lên bội phần. Ngay cả trong sáng tác, trong mười tác phẩm mà Nguyễn Thị Tịnh Thy xếp vào hàng “văn học sinh thái kinh điển” đã có ba tác phẩm của các nhà văn nữ: Frankenstein (1818) tiểu thuyết giả tưởng của Mary Shelley (1797-1851), Mùa xuân im lặng (1962) viết về hiểm họa dùng thuốc trừ sâu DDT của tác giả Rachel Louise Carson (1907-1964), Linh Dương và Gà Nước (2003) viết thảm họa ảo tưởng của con người khi lạm dụng sự phát triển khoa học của Margaret Atwood, hoặc nhà nữ phê bình sinh thái nổi tiếng thế giới từng sang làm việc với Viện Văn học nước ta Karen Thronber... 

Ba cây bút nữ và trẻ tuổi trong giới nghiên cứu của chúng ta, quan tâm đến môi trường sinh thái trong văn chương và trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực này, thật là đáng trân trọng.

Phê bình sinh thái là một trong những trào lưu phê bình văn học mới xuất hiện ở nước ta vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Điều đáng lưu ý là những người quan tâm nhiều đến trào lưu này đều là phụ nữ, và là những tác giả trẻ. Ngoài các bài nghiên cứu của các tác giả như Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương, Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Văn Hiểu... ba công trình đầu tiên được công bố ở nước ta những năm gần đây về phê bình sinh thái, đều là của các tác giả nữ, lần lượt có thể kể đến như sau: Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016) của Trần Thị Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh, Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương (Nxb Khoa học xã hội, 2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy và Phê bình sinh thái là gì? (Nxb Hội Nhà văn, 2017) do Hoàng Tố Mai chủ biên. Mỗi công trình đều có những đóng góp về một phương diện khác nhau.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn