3 chuyện thú vị về loài lợn trên thế giới

13:00 | 06/02/2019;
Lợn không lông Kapia ở một hòn đảo trên Thái Bình Dương có danh xưng; Lợn quay... mặc quần áo đi diễu hành; Thịt lợn ăn quả sồi, ôliu đắt nhất thế giới… Đó là những câu chuyện thú vị về loài vật là con giáp của năm 2019 này.
Lợn Kapia biểu tượng của sự giàu có và quyền lực
 
Tại đảo quốc Vanuatu (Tây Nam Thái Bình Dương), lợn không lông Kapia có địa vị như con người, có danh xưng, được mặc áo nghiêm chỉnh và mặt còn được trang điểm. Lợn vừa là một loài thú cưng thân thiện với gia đình, vừa là một con vật tổ linh thiêng đối với người dân nơi đây. Lợn thường được dùng làm con vật để tế thần vì người ta tin rằng lợn có linh hồn. Một buổi lễ giết lợn là một nghi thức quan trọng, một cách thể hiện địa vị xã hội và tuyên bố quyền lực chính trị.
 
Nhà nào càng nuôi nhiều lợn, địa vị của gia đình ấy trong làng càng được coi trọng. Mỗi bé trai khi sinh ra, vật gia bảo được ba mẹ dành tặng sẽ là lợn, nuôi dần cho đến khi lớn làm lễ vật lấy vợ. Vì trong lễ vật đi hỏi vợ không thể thiếu: chiếu, rượu Kava, khoai môn và lợn, trong đó lợn là vật giá trị và quan trọng nhất quyết định chuyện hỏi vợ thành công hay không.
 
Những con lợn được chăm sóc đặc biệt trong chuồng của gia đình không phải để làm thịt mà để lấy cặp nanh. Một cặp nanh đẹp, giá trị phải đánh đổi khoảng thời gian trên 20 năm mới có. Nanh càng đẹp, giá trị của nó càng cao, có thể đổi lấy lương thực, nhà cửa, ruộng vườn, làm vật tô điểm cho quyền uy. Vẻ đẹp của đường cong trên nanh lợn đã trở thành niềm kiêu hãnh với những ai sở hữu trong tay những cặp nanh có vòng tròn nối kết tương tự.
 
lon.jpg
 
Chiếc nanh lợn rừng cong còn trở thành một biểu tượng quốc gia tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực, đồng thời hiện diện rất nổi bật trên cả quốc kỳ và quốc huy của Vanuatu ngày nay. Nanh lợn rừng ở Vanuatu được xem như một báu vật, một tài sản quý của tầng lớp quý tộc, giới thượng lưu trong làng mạc và ngay cả trong xã hội hiện đại. Nó thể hiện quyền lực của người bản địa gốc Melanesia trên đảo quốc Vanuatu từ rất lâu đời.
 
Lợn quay... mặc quần áo đi diễu hành
 
Huyện La Loma thuộc thành phố Quezon (Philippines) không chỉ nổi tiếng với món lợn quay mà còn được biết đến bởi lễ hội Parade of the Lechon. “Lechon” là từ mà người Philippines gọi món thịt lợn quay nổi tiếng thơm ngon. Để làm món ăn này, những con lợn sẽ được quay trên than củi bởi những đầu bếp tài ba, khiến con lợn quay vừa chín tới, lại vừa thơm ngon.
 
rh89up7.jpg
Lợn được mặc quần áo đẹp đi diễu hành

 

Vào ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 5 hàng năm, trong lễ hội này, những chú lợn sẽ được nhồi quả me, lá dứa và một số gia vị được pha chế sẵn, trên da bôi nước xì dầu và dấm. Những đầu bếp giỏi sẽ quay lợn trong lò than cho tới khi da trở nên vàng ruộm. Sau khi công việc hoàn tất, mọi người không chỉ được thưởng thức những chú lợn sữa thơm phức cùng nước xốt mà còn được chiêm ngưỡng chúng mặc áo quần sặc sỡ nhiều màu, đội tóc giả, thậm chí cầm micro như những ca sĩ thực thụ, những tay đua F1... cực kỳ vui nhộn, thú vị và được nhiều người khiêng diễu hành trên đường phố.
 
Lợn đen ăn sồi, ô liu giá đắt
 
Lợn đen Iberico (Tây Ban Nha) là một giống lợn quý có chất lượng tuyệt hảo và được chăn nuôi theo phương pháp đặc biệt. Đây là nguyên liệu cho món ăn hun khói Jamón Ibérico được mệnh danh là “loại thịt ngon nhất thế giới”. Ở các trang trại tại Tây Ban Nha, lợn được nuôi theo chế độ chăm sóc đặc biệt với thức ăn chính là quả sồi, quả ô liu, các loại thảo mộc. Điều đáng nói là chúng được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trong môi trường rừng. Loại lợn cao cấp này thường ăn hạt rơi xuống từ các cây sồi trong khoảng tháng 10 đến đầu tháng 3. Những hạt này có tỉ lệ chất béo lớn, một trong số đó là acid béo không bão hòa oleic. Khi lợn ăn sẽ khiến chúng có thịt mềm, ngậy hơn, mùi thơm đặc biệt. Thời gian từ lúc nuôi đến lúc đem giết thịt kéo dài tới 18 - 24 tháng.
 
cerdoquemira.jpg
Lợn đen Iberico

 

Là đặc sản của đất nước Tây Ban Nha, thịt heo đen Jamón Ibérico được giới “sành” ẩm thực đánh giá là món thịt heo muối ngon, hiếm và đắt đỏ bậc nhất thế giới. Sau những tiêu chuẩn lựa chọn cực kỳ khắt khe, chú lợn béo tốt nhất sẽ được đưa đi làm thịt rồi ủ muối biển cao cấp với khoảng thời gian từ 2-3 năm trong các hang động tự nhiên hoặc nhân tạo. Đặc biệt, trước khi đưa ra phân phối, loại thực phẩm đắt đỏ này sẽ được kiểm định ADN để chứng thực nguồn gốc. Một lát thịt mỏng to bằng bàn tay có giá tới 220 USD (hơn 5 triệu đồng). Loại thịt trứ danh này có vị ngọt, màu ánh đỏ tươi và hấp dẫn với từng sợi mỡ mềm tan trong miệng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn