3 dấu hiệu nguy cơ mắc bệnh tăng áp động mạch phổi

11:45 | 07/08/2016;
ThS. Nguyễn Minh Hùng, BV Bạch Mai cho biết, tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Đặc biệt, các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu như: Khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất… thường dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến nhiều người bệnh chỉ đến viện khi bệnh đã trở nặng.
Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng dẫn tới tử vong như: Suy tim bên phải, tiên lượng nặng và gây ra tử vong; tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong; chứng loạn nhịp tim; ho ra máu cùng với chảy máu trong phổi…
dot-quy.jpg
Những người có nguy cơ mắc tăng áp động mạch phổi cao nên đi khám sớm để tránh biến chứng
Do đó, ThS. Nguyễn Minh Hùng khuyến cáo, người bệnh cần đi khám sàng lọc tăng áp động mạch phổi nếu thấy có các dấu hiệu: 
- Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được.
- Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, chướng bụng khó tiêu.
- Bờ trái xương ức nhô cao, gan to, phù chi…
Trong đó, một số đối tượng nguy cơ cao bị tăng áp động mạch phổi cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, bao gồm:
  • Tiền sử gia đình có người bị tăng áp động mạch phổi.
  • Có bệnh tim bẩm sinh.
  • Có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ.
  • Tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan.
  • Bệnh nhân nhiễm HIV.
Với sự phát triển của y học hiện nay, nếu được phát hiện và điều trị sớm người bệnh có thể sống trên 10 năm, tuy nhiên nếu phát hiện muộn thì thời gian sống trung bình có thể chỉ kéo dài khoảng 3 năm.
Trong cơ thể con người có 2 hệ tuần hoàn. Hệ đại tuần hoàn đưa máu từ tim trái qua động mạch chủ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Hệ tiểu tuần hoàn đưa máu từ tim phải lên phổi để trao đổi khí cacbonic và lấy khí oxy về tim trái. Chúng ta vẫn quen với khái niệm tăng huyết áp, đó là tăng huyết áp trong các động mạch hệ đại tuần hoàn. Tăng áp phổi là tăng áp lực hệ tiểu tuần hoàn.
Bệnh tăng áp phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ tuổi sơ sinh tới người cao tuổi tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Ở Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song trên thế giới, tỉ lệ người mắc tăng áp động mạch phổi nằm trong khoảng 2-25 người/triệu dân. Ở Mỹ, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ này là 2/1.000 trẻ sơ sinh sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn