Số lượng người có nhu cầu giáo dục ngôn ngữ tăng cao không có nghĩa họ sẽ sẵn sàng chọn một doanh nghiệp mới trong danh sách dài những trung tâm giáo dục lâu đời. Hơn nữa, mỗi ngành đều có giai đoạn thăng trầm, tính theo quý hoặc theo năm. Với ngành giáo dục nói chung và giáo dục ngôn ngữ nói riêng, giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan như các mùa thi cử trong năm, tình hình kinh tế… Một doanh nghiệp trẻ sẽ sớm thất bại nếu chưa sẵn sàng bước vào giai đoạn trầm.
Thứ hai, bằng cấp chuyên môn là nền tảng tối thiểu để một doanh nghiệp non trẻ cạnh tranh được trên thị trường. Một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này còn cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ, cần trang bị phương pháp giảng dạy để hướng đến chất lượng giảng dạy tối ưu.
Thứ ba, khi khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, người trẻ không chỉ là một giáo viên hay một doanh nhân mà phải là cả hai. Chủ doanh nghiệp không chỉ đứng trên lớp giảng dạy mà còn phải quản trị hệ thống. Nói cách khác, thử thách lớn nhất của việc khởi nghiệp trong ngành giáo dục chính là vừa phải biết làm kinh doanh, cân bằng lợi ích của doanh nghiệp vừa phải biết mình đang làm giáo dục để cân bằng lợi ích của học viên. Điều này đòi hỏi người khởi nghiệp cần có kiến thức về tài chính, marketing, nhân sự, pháp luật, mạng lưới làm việc vững chắc…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn