“Quý nhân may mắn nhất đời người, chính là sự nỗ lực và cầu tiến của bản thân”.
Đời người lắm gập ghềnh, trong lòng ôm nhiều hy vọng mới có thể toàn lực tiến về phía trước. Không vì gặp khó khăn mà thụt lùi, thay vì đợi gió đến, chi bằng đuổi theo gió.
Khi một người có thể vượt qua giông tố cuộc đời và bước qua thời khắc đen tối nhất, người đó ắt sở hữu trái tim kiên định và mạnh mẽ.
Thế gian phức tạp, cách tốt nhất chính là để bản thân trở về "con số 0".
Nhà thơ Rabindranath Tagore từng nói: “Có một đêm, tôi đốt hết ký ức, từ đó mộng an lành; một sớm mai, tôi vứt hết mọi thứ hôm qua, từ đó bước nhẹ tênh”.
Con người luôn sống trong quá khứ, nhưng điều này chỉ khiến lòng khắc khoải bất an, để tâm trống rỗng mới có thể nhẹ nhàng bước tiếp.
Trong một xã hội vật chất lên ngôi và nhịp sống vội vã của thời nay, nhiều người dễ dàng cảm thấy mệt mỏi vì vô số nguyên nhân: Không đuổi theo kịp thời đại, cơm áo gạo tiền, kiếm tiền khó khăn, đánh mất bản thân…
Do đó, mỗi người chúng ta cần phải chậm lại đúng lúc, trút bỏ tâm hồn trống rỗng, buông bỏ những ưu tư phiền não bên trong để sống thanh thản hơn.
Đừng luôn nghĩ đến việc lấp đầy cuộc sống của bạn bằng nhiều thứ. Chính do sự phức tạp mới khiến bạn mệt mỏi. Hãy học cách để lại một khoảng trống nhỏ cho cuộc sống.
Hãy để cuộc sống trở lại với trạng thái ban đầu của nó. Trút bỏ mọi bất hạnh, bạn gặp hoa nở đầy đường.
Trong cuốn "Tối giản thông thái" của nhà văn Tiểu Dã có câu: "Xóa bộ nhớ đệm của bạn và đặt lại bản thân về 0 vào đúng thời điểm, bạn sẽ tiếp tục theo đuổi sự xuất sắc và giành được kết quả mới sau khi trở về con số 0" (tạm dịch).
Đồng hồ điểm nửa đêm, kim lại bắt đầu nhảy từ số 0" và cuộc sống cũng cần được thiết lập lại thường xuyên để có được sự tươi mới.
Người biết đặt bản thân về số 0 thường sở hữu nội tâm rộng mở khoáng đạt, sống khiêm tốn, không ngừng leo lên đỉnh cao của cuộc đời. Đây chính là sự tu dưỡng khó có được.
Có một câu chuyện thế này:
Thuở xưa, một người đàn ông có kiến thức uyên thâm đến thăm một vị thiền sư già đáng kính.
Khi ngồi xuống, vị khách này tỏ ra thái độ rất kiêu hãnh, cao ngạo. Thiền sư thấy vậy cũng không lên tiếng, chỉ tìm một cái cốc, không ngừng rót nước vào. Thấy nước đã đầy, người đàn ông hỏi: “Sư phụ, nước đầy rồi, sao cứ rót mãi?”.
Thiền sư nói: “Đúng vậy, đã đầy rồi, sao cứ rót hoài nhỉ!”.
Ý của thiền sư chính là: Nếu ngươi đã là người hiểu biết thông thái, tại sao còn đến xin chỉ giáo?
Cái khó nhất của đời người là nhận thức được chính mình. Nhiều người mới có được một chút thành tựu liền trở nên kiêu căng, tự mãn.
Khiêm nhường ắt có lợi, tự mãn chắc chắn chuốc họa vào thân. Giữ gìn con tim dung dị, để bản thân luôn ở trong trạng thái "rỗng", từ đó không ngừng học hỏi và thấu hiểu “núi cao còn có núi cao hơn”, như vậy cuộc đời mới thăng hoa.
Trở về không là một loại trí tuệ, là dũng khí bắt đầu lại, là cởi mở nhìn lại bản thân. Hãy thử buông bỏ những suy nghĩ và nhận thức cố hữu, dũng cảm bứt phá bản thân để mọi thứ về không, biết đâu bạn sẽ mở ra một bước nhảy vọt mới.
Lắm lúc, chúng ta không bị đánh bại bởi những thứ ngoài kia, mà bởi chính trái tim của chúng ta.
Nếu giữ được nội tâm thanh tịnh, bạn có thể nhìn thấu mọi việc trên đời. Gặp chuyện, điều quan trọng nhất là giữ bản thân bình tĩnh để suy xét, nhìn nhận và phân tích, từ đó mới đưa ra quyết định đúng đắn và phán đoán có lợi nhất cho mình.
Cuộc sống rất phức tạp. Tâm tĩnh, là một loại tu dưỡng khó nhất trên đời này.
Người xưa có câu: “Tĩnh rồi mới an, an rồi mới lo, lo rồi mới đắc”. Ý nói: Người bình tĩnh thì mới an ổn, có an ổn rồi mới lo toan nhiều thứ, từ đó mới nhận về thu hoạch.
Tâm loạn thì mọi thứ hỗn loạn, lòng sẽ sợ hãi; tâm tĩnh, thế sự thay đổi thất thường cũng không bị bất ngờ, cuộc sống nằm trong tầm kiểm soát.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn