3 đồ hữu dụng từ phế thải của cô giáo Quảng Bình

13:05 | 05/09/2017;
Bằng ý tưởng sáng tạo của mình, cô giáo Mai Thùy Hân (trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Bình) đã mang đến vòng đời mới, tiện lợi và hữu ích cho những món đồ phế liệu đang bị mọi người lãng quên.
Bạn thường làm gì với những chiếc túi nylon, chai nhựa hay bao bì đã qua sử dụng? Điểm đến quen thuộc nhất củng những phế liệu này chắc chắn là thùng rác. Nhưng đây lại là những loại rác thải rất khó phân hủy và nhưng chất độc hại trong những vật liệu này sẽ ngấm vào đất, nguồn nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và các loài động thực vật khác.
 
Là một giáo viên, cô Mai Thùy Hân luôn trăn trở làm thế nào để chung tay cùng cộng đồng giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Bằng những hành động cụ thể, cô giáo đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích để tuyên truyền cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng.
 
Mời bạn đọc PNVN tham khảo 3 sản phẩm sáng tạo của cô giáo Mai Thùy Hân gửi tham gia Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017!
Những sản phẩm sáng tạo được làm từ đồ tái chế
 
Túi dành cho người nội trợ
 
Với sản phẩm này, cô giáo Quảng Bình hy vọng sẽ giảm bớt được số lượng những chiếc túi nylon dùng một lần đang được sử dụng một cách lãng phí khi chị em đi mua sắm.
Chiếc túi đi chợ được làm từ bao bì đã qua sử dụng

Bạn có thể sử dụng những vật liệu phế thải như vải cũ, bai bì, bì lác, túi nylon… giặt sạch, phơi khô, dùng máy may hoặc khâu bằng tay thành những chiếc túi đựng đồ khi đi chợ, đi mua sắm, đi du lịch… vừa thời trang, vừa tiện dụng, độc đáo mà lại ít tốn kém.
Cô giáo Mai Thùy Hân chia sẻ, thời gian để may một chiếc túi mất khoảng 30 phút, và có thể sử dụng từ 6 đến 12 tháng, tùy theo từng chất liệu.
 
Cặp sách dành cho học sinh vùng lũ
 
Một chiếc áo phao đã cũ, hỏng, không còn sử dụng được đã tái chế thành những chiếc cặp xinh xắn, đồng hành cùng các em học sinh vùng lũ đến trường.
Chiếc cặp làm từ áo phao đồng hành cùng học sinh vùng lũ

Vào những ngày mưa, lũ, chiếc cặp bảo vệ sách vở không bị ướt và có thể sử dụng như một chiếc phao bơi, để các em tự bảo vệ mình khi gặp sự cố.

Đây còn là món đồ giúp các bé tự cứu mình khi xả ra rủi ro


Để làm một chiếc cặp sách từ áo phao, cần khoảng 60 phút và có thể sử dụng từ 2 đến 5 năm.

 
Thùng đựng rác thông minh
 
Bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra những chiếc thùng phân loại rác trong gia đình và cộng đồng từ các vật liệu phế thải như nhựa, sắt, bìa các tông… theo kích thước to nhỏ khác nhau. Bạn nhớ phân loại rác tùy theo từng loại riêng biệt như: giấy vụn, chai nhựa… Thùng đựng rác thông minh không chỉ làm đẹp môi trường mà còn tạo ra được nguồn quỹ từ việc gom bán phế liệu, dành cho các mục đích từ thiện, ủng hộ những người khó khăn….
Cô giáo Mai Thùy Hân đăng ký tham gia sản phẩm sáng tạo
Tái chế rác thải thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống


Không chỉ lên ý tưởng sáng tạo, tái chế đồ cũ, cô giáo Mai Thùy Hân còn cùng các đồng nghiệp trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Bình tổ chức các buổi ngoại khóa để học sinh trực tiếp trải nghiệm làm ra sản phẩm, giúp các em có kỹ năng sử dụng các loại đồ phế liệu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trang bị thêm những kỹ năng đối phó với một số thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

 
Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017 do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn