Quá trình nuôi dạy con cái đi kèm với vô vàn trách nhiệm và công việc. Trong mắt trẻ, cha mẹ là chỗ dựa thời thơ ấu đồng thời là tiêu chuẩn cho việc lựa chọn bạn đời tương lai. Cha mẹ cũng là hình mẫu ngày bé để trẻ phấn đấu khi lớn lên. Chẳng hạn, khi thấy cha giúp mẹ việc nhà, trẻ sẽ hình thành ý thức tự giác và làm điều tương tự.
Tuy nhiên, có một số phụ huynh không thực hiện tốt vai trò của mình. Điều này tác động tiêu cực đến sự trưởng thành của con cái.
Trong mắt nhiều đứa trẻ, cha là bầu trời, song khi con cần, nhiều người cha lại dùng công việc bận rộn làm cái cớ để lảng tránh. Chẳng hạn, trẻ muốn gia đình đi công viên giải trí và người cha hứa hẹn cuối tuần sẽ thực hiện điều đó. Nhưng khi trẻ đã chuẩn bị hành trang và sự hào hứng, người cha bỗng dưng "biến mất" với lý do bận việc.
Dần dần, trẻ sẽ hạ thấp kỳ vọng của chúng về cha. Tệ hơn nữa, cha con có thể trở nên ngày càng xa cách và tình cảm ngày một vơi đi. Điều này cũng có thể xảy ra tương tự với mẹ.
Nếu cha mẹ nhiều lần không giữ lời, trẻ sẽ hình thành tính xấu là không trung thực. Điều này có thể dần trở thành thói quen, ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất và tương lai của trẻ. Những đứa trẻ có phụ huynh không giữ chữ tín cũng có xu hướng trở nên nổi loạn, có hành vi không lành mạnh.
Theo cây viết của Father Resource, lý do đằng sau điều này là trẻ nghĩ những thiệt hại chúng gây cho bản thân sẽ tác động đến cha mẹ. Mục đích là mong cha mẹ thay đổi cách cư xử và ngăn chặn cha mẹ tái diễn hành vi xấu.
Cha mẹ không giữ lời hứa sẽ khiến con cái dần mất sự tin tưởng. Ảnh: Thought Catalog.
Dù sống cùng nhà, ăn cùng bữa cơm và gặp nhau hàng ngày, nhiều cha/mẹ vẫn "vắng mặt" trong hành trình trưởng thành của con cái. Họ hoàn toàn phó mặc chuyện giáo dục con cho người còn lại.
Đặc biệt, giáo dục con cái là công việc cần sự tham gia của cả cha và mẹ. Theo Aboluowang, nếu cha ít tham gia vào sự phát triển của trẻ, bé trai có thể thiếu nam tính còn bé gái ngại tiếp xúc và không biết cách hòa hợp với người khác giới.
Thực tế, trẻ em khá đơn giản. Trẻ nghĩ rằng nếu cha mẹ yêu chúng, họ sẽ dành thời gian ở bên cạnh, chơi và dạy dỗ chúng. Nếu cha mẹ ít dành thời gian cho con, trẻ sẽ mặc định là phụ huynh không yêu chúng.
Không chỉ dành thời gian chơi với con, cả cha và mẹ nên tích cực tham gia vào việc giáo dục con. Việc làm này tăng sự gắn bó thân thiết, giúp con cảm nhận được sự yêu thương. Ngay cả khi không có nhiều thời gian, cha mẹ nên chủ động giao tiếp và lắng nghe con, có thể trực tiếp hoặc qua điện thoại, để con cảm nhận được sự quan tâm và ấm áp.
Trong mắt trẻ thơ, cha thường là biểu tượng sức mạnh. Với nhiệm vụ bảo vệ trẻ, người cha cần đảm bảo rằng con cái đang sống trong ngôi nhà an toàn. Một trong những cách khiến trẻ cảm thấy an toàn là nhìn cha mẹ yêu thương nhau, thay vì cãi vã.
Mọi lời nói, hành động và thái độ của cha mẹ có thể trở thành hình mẫu để con cái học theo. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể học từ cha mẹ về tình yêu thương và cách thể hiện cảm xúc với người khác.
Ngược lại, nếu cha mẹ là những người thường xuyên nóng tính và cãi vã, trẻ sẽ trở nên dễ sợ hãi và xúc động. Về lâu dài, các vấn đề về hành vi và sự mất cân bằng tâm lý có thể dễ dàng phát triển.
Bên cạnh đó, phụ huynh luôn bạo lực tinh thần hoặc thể chất cũng được đánh giá là kiểu cha mẹ "độc hại". Họ thường có tâm trạng không ổn định và khó kiềm chế cơn tức giận. Đồng thời họ tạo nên sự căng thẳng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ có thể bị "lây" tính khí gắt gỏng của cha mẹ, không biết cách điều khiển cảm xúc và gây tổn thương cho người khác.
Vì vậy, cha mẹ nên duy trì việc thể hiện cảm xúc yêu thương. Người cha biết yêu thương mẹ không chỉ khiến con cái thấy ấm áp, mà còn khiến người mẹ cảm nhận được hạnh phúc. Chỉ bằng cách này, các gia đình mới có thể nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh, tươi vui và tích cực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn