3 lần lên bàn mổ chỉ trong 1 tuần

10:26 | 11/11/2015;
Điều trị lao nhiều tháng, ho ra máu ồ ạt, cơ thể suy kiệt chỉ còn 33kg, chị gái phải thuê máy bay riêng đưa đi Singapore cấp cứu và hơn 1 lần phải đối diện với thời khắc sinh - tử, anh Trần Thiên Khoa (29 tuổi) vẫn chưa dám tin mình đã trở lại cuộc sống.
1. Chúng tôi gặp Khoa và gia đình trong một buổi nói chuyện chia sẻ về việc điều trị thành công tình trạng lao kháng thuốc đã ở giai đoạn nặng khiến hầu hết các bác sĩ đều kết luận: Rất ít hy vọng. Song, như chị Trần Cẩm Thuyên, chị gái Khoa, nói: “Tử thần đã từ chối Khoa” sau hơn 1 tháng điều trị tại Singapore.

Sinh ra trong một gia đình có 2 chị em tại Biên Hòa (Đồng Nai), ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Khoa đã bộc lộ đức tính kiên trì, mạnh mẽ, không bỏ cuộc trước bất cứ khó khăn nào. Lớn lên, chị gái theo chồng sang Mỹ định cư, Khoa sống cùng cha mẹ và quyết tâm thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học.

Trần Thiên Khoa (thứ 2 từ phải qua) cùng người thân và bác sĩ sau khi trị bệnh thành công

 

Khoa rời quê lên TPHCM và trở thành sinh viên của một trường đại học lớn. Không lâu sau, mẹ cậu qua đời, cuộc sống của Khoa có nhiều xáo trộn và việc học tập cũng gặp nhiều khó khăn. “Sau khi mẹ mất, Khoa tính sắp xếp lại chuyện học thì bỗng dưng đổ bệnh. Bác sĩ nói Khoa bị lao phổi, chuyển về địa phương và uống thuốc lao theo chương trình điều trị lao quốc gia. Sau 8 tháng uống thuốc, các xét nghiệm đều cho thấy không còn virus lao nữa, tuy nhiên, vào đúng ngày mùng 1 Tết vừa rồi thì có chuyện xảy đến. Khoa sốt và mệt, tôi đưa con nhập viện, họ xét nghiệm đủ thứ không tìm ra bệnh, 1 tuần sau thì bác sĩ cho xuất viện”, ông Trần Công Mẫn, ba Khoa, kể.

Sau khi Khoa trở về từ bệnh viện, các triệu chứng mệt, sốt và khó thở tiếp tục xuất hiện khiến ông buộc phải đưa con nhập viện và sau đó Khoa được chuyển đến một bệnh viện điều trị lao, dù tất cả các xét nghiệm đều không tìm ra virus lao. “Tình trạng mỗi ngày một nặng. Vào giữa tháng 5, Khoa bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho ra máu, cơ thể ngày càng suy kiệt khiến chúng tôi có cảm giác mình sắp mất con rồi. Giữa lúc đó, con gái tôi tại Mỹ đã liên hệ với một bệnh viện ở Singapore và quyết định đưa Khoa ra nước ngoài điều trị”, ông Mẫn nhớ lại.

2. Chị Cẩm Thuyên kể cho chúng tôi nghe về những cuộc gọi “cầu cứu”, chuyến bay giữa đêm, những quyết định táo bạo, chi phí điều trị và những cuộc phẫu thuật mà ngay cả bác sĩ cũng không dám chắc có thành công hay không.

Theo lời kể của chị Thuyên, gia đình quyết định đưa Khoa xuất ngoại chữa bệnh khi tình trạng đã quá nặng, em trai chị ho ra máu nhiều lần trong ngày, cơ thể suy kiệt và luôn rơi vào tình trạng khó thở. Gia đình không thể đưa Khoa đi Singapore bằng máy bay dân dụng vì lo ngại tình trạng giảm áp suất, anh có thể ho ra máu bất cứ lúc nào. “Đi máy bay riêng thì chi phí quá cao, nhưng cuối cùng, tôi đành chấp nhận bỏ ra 25 ngàn đô la, thuê máy bay đưa Khoa từ Việt Nam sang Singapore vì không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác”, chị Thuyên chia sẻ.

Tới bệnh viện vào khoảng 12 giờ đêm, ngay lập tức Khoa được đưa vào phòng cấp cứu và các bác sĩ tiến hành hội chẩn để đánh giá tình hình bệnh. Tuy nhiên, do sức khỏe đã suy kiệt, phổi lại tổn thương nặng, tình trạng mất máu nhiều… nên bác sĩ đánh giá đây là ca khó, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào trên bàn mổ. Bác sĩ đã từ chối phẫu thuật. “Giữa lúc đó, Khoa rơi vào cơn ho ra máu ồ ạt không cầm được, bác sĩ nói nếu để như vậy thì chỉ trong vài phút sẽ tử vong. Khi ấy chỉ có tôi và ba, chúng tôi thật sự rất hoang mang, không biết làm cách nào. Cuối cùng, các bác sĩ và bố con tôi quyết định làm phẫu thuật cho Khoa. Ca phẫu thuật phải tiến hành 2 lần mới cắt được hoàn toàn phổi trái”, chị Thuyên cho hay.

Kết thúc 2 đợt phẫu thuật, Khoa được đưa về phòng nằm theo dõi và được hướng dẫn tập đi bộ trong phòng để vết thương mau lành, chức năng phổi nhanh chóng được hồi phục. Tuy nhiên, bước vào ngày thứ 2, Khoa bỗng thấy trong người mệt lả, bụng đau dữ dội đến mức không thể gượng ngồi dậy được, ngay cả thở cũng trở thành vấn đề khó khăn. Ngay lập tức, Khoa được các bác sĩ đưa đi siêu âm và chụp X-quang để xác định nguyên nhân. Kết quả: Men gan tăng và tràn dịch màng tim khiến Khoa tiếp tục trở lại phòng mổ và thực hiện phẫu thuật lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 tuần.

Đã có lúc cả gia đình muốn bỏ cuộc vì nghĩ không còn hy vọng, nhưng mỗi lần như vậy, nghị lực và khao khát sống trong Khoa trỗi dậy khiến chàng trai này lại gắng gượng và tận dụng mọi cơ hội. “Mọi thứ đã qua, những đớn đau giờ không còn, tôi luôn cảm ơn gia đình và các bác sĩ trong những thời khắc khó khăn nhất vẫn giữ hy vọng, không bỏ tôi, cố giành tôi về từ tay Tử thần”, Khoa tâm sự.


Bác sĩ Su Jang Wen (chuyên gia phẫu thuật tim và lồng ngực, Bệnh viện Gleneagles, Singapore)

Trần Thiên Khoa là một trong những bệnh nhân đặc biệt và khó nhất tại bệnh viện chúng tôi bởi nhập viện trễ, tình trạng phổi đã bị phá hủy nặng do lao, xuất hiện tình trạng ho ra máu không cầm được... Khi mới tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã hội chẩn và chia sẻ với gia đình về nguy cơ không thể phẫu thuật do cơ thể bệnh nhân quá suy kiệt, nguy cơ chảy máu ồ ạt và có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Tuy nhiên, ngay lúc đó, y tá cho biết bệnh nhân đang ho ra máu liên tục, nếu không được phẫu thuật ngay thì sẽ tử vong. Chúng tôi chỉ còn sự lựa chọn: hoặc là phẫu thuật, hoặc bệnh nhân sẽ chết. Cuối cùng, được sự chấp thuận của gia đình về những rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ phổi trái cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật không hề đơn giản do bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, huyết áp xuống thấp, mạch không ổn định, mất máu nhiều. Chúng tôi đã tiến hành đặt nội khí quản, gây mê, bóc tách phổi trái...

Hiện tại, sức khỏe của Khoa đã hoàn toàn ổn định, chức năng phổi tốt. Khoa tiếp tục uống thuốc 1 năm để chống nhiễm trùng và kháng nấm.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn