Nấm đùi gà, hay còn được biết đến với cái tên khoa học là Pleurotus eryngii, là một loại nấm ăn được phổ biến và được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon cũng như giá trị dinh dưỡng cao.
Nấm đùi gà có kích thước lớn, với phần thân nấm chắc và dày, phần mũ nấm to và dày, thường có màu trắng hoặc kem. Hương vị của nấm rất đặc trưng, nhẹ nhàng và hơi ngọt, thường được so sánh với hương vị của hạt dẻ.
Theo cơ sở dữ liệu FoodData Central của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, 100g nấm đùi gà cung cấp:
- Calo: 46 kcal
- Carbohydrate: 8,5g - 3,1% DV
- Chất béo: 0,31g - 0,4% DV
- Chất đạm: 2,41g - 4,8% DV
- Vitamin:
+ Biotin: 36,7% DV
+ Niacin (vitamin B3): 40,3% DV
+ Riboflavin (vitamin B2): 18,5% DV
+ Thiamin (vitamin B1): <1% DV
+ Vitamin B6: 0,8% DV
+ Vitamin D: 0,4% DV
- Khoáng chất
+ Canxi: 0,2% DV
+ Đồng: 5,2% DV
+ Sắt: 1,9% DV
+ Magiê: 3,2% DV
+ Mangan: 3,9% DV
+ Phốt pho: 7,2% DV
+ Kali: 6,3% DV
+ Selen: 2,2% DV
+ Natri: <0,1% DV
+ Kẽm: 5,7% DV
Nấm đùi gà có đến 88% là nước.
Nhìn chung, nấm đùi gà chủ yếu là nguồn cung cấp nước và carbohydrate và chỉ chứa một lượng nhỏ protein và chất béo. Trong số các vitamin và khoáng chất có trong nấm đùi gà, nấm cung cấp một lượng đáng kể riboflavin, niacin và biotin.
Dưới đây là một số lợi ích tiềm năng của nấm đùi gà dựa trên các hợp chất chứa trong nấm và một số nghiên cứu trên động vật và kết quả nghiên cứu từ các thử nghiệm sử dụng người tham gia.
- Cải thiện lượng đường trong máu và mức độ no
Một thử nghiệm chéo ngẫu nhiên có kiểm soát được công bố vào năm 2022 đã tuyển dụng 19 người tham gia để kiểm tra tác động sau bữa ăn của nấm đùi gà đối với lượng đường trong máu và cảm giác đói.
Kết quả cho thấy những người tham gia mà ăn nấm đùi gà có phản ứng lượng đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn. Ngoài ra, mức độ 'hormone đói' được gọi là ghrelin thấp hơn sau bữa ăn cùng với mức độ tự nhận thức về cảm giác no cao hơn và ham muốn ăn thấp hơn ở những người ăn nấm đùi gà.
- Có thể giúp giảm mức cholesterol LDL
Hai nghiên cứu từ năm 2011 và 2020 cho thấy nấm đùi gà có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol LDL hay còn gọi là cholesterol xấu.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2020 đã kiểm tra tác động của chiết xuất polysaccharides từ nấm đùi gà đối với những con chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo. Polysaccharides là một loại carbohydrate được tìm thấy trong loại nấm này. Điều thú vị là, so với những con chuột không được bổ sung, những con chuột được cho ăn nấm đùi gà có chứa polysaccharides có trọng lượng cơ thể tăng ít hơn, đồng thời mức cholesterol toàn phần và LDL cũng giảm.
Điều này có thể là do các polysaccharide trong nấm đùi gà đã cải thiện sự cân bằng vi khuẩn đường ruột của chuột và tăng bài tiết chất béo qua phân.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và suy giảm nhận thức
Nấm đùi gà là nguồn cung cấp đáng kể một loại axit amin - ergothioneine, cung cấp tới 24 mg ergothioneine trên 100 gam trọng lượng nấm tươi.
Có tương đối ít nguồn thực phẩm cung cấp hàm lượng ergothioneine cao và hợp chất này đang được nghiên cứu về những lợi ích tiềm tàng đối với sức khỏe con người.
Nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng nồng độ ergothioneine trong máu có xu hướng giảm theo tuổi tác. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã lưu ý rằng mức độ thấp dường như có liên quan đến một số bệnh mãn tính và suy giảm nhận thức.
Nấm đùi gà được chế biến theo nhiều cách, tuỳ vào sở thích và cách chế biến ở từng nơi. Dưới đây là một vài gợi ý về các món ăn được chế biến từ nấm đùi gà:
- Nấm đùi gà xào
+ Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch nấm đùi gà, cắt bỏ phần chân có đất, thái nấm thành từng lát vừa ăn. Rửa sạch và thái các loại rau củ đã chuẩn bị.
+ Ướp nấm đùi gà với một ít muối và tiêu để gia vị thấm đều, để khoảng 10-15 phút.
+ Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn và đợi dầu nóng thì cho tỏi băm vào phi thơm. Thêm hành tây và ớt vào xào cho đến khi hành tây trong và mềm.
+ Tiếp theo, cho nấm đùi gà vào chảo, đảo đều và xào ở lửa vừa. Khi nấm gần chín, cho các loại rau củ khác vào và xào cùng. Nêm nước tương và dầu hào để tăng thêm hương vị.
+ Đảo đều các nguyên liệu trong khoảng 5-7 phút cho đến khi nấm và rau củ chín tới. Nêm lại gia vị cho vừa ăn, rắc thêm chút tiêu nếu thích và tắt bếp.
- Súp nấm đùi gà
+ Sơ chế nguyên liệu: rửa sạch nấm đùi gà, cắt thành miếng vừa ăn. Rửa sạch và thái các loại rau củ.
+ Cho dầu ăn vào nồi, đun nóng và phi thơm tỏi băm. Thêm hành tây và cần tây vào xào cho đến khi hành tây trở nên trong suốt.
+ Cho nấm đùi gà cùng với khoai tây và cà rốt vào nồi, đảo đều. Thêm nước dùng vào nồi, đun sôi. Sau đó, giảm lửa và để súp nấm đùi gà nấu ở lửa nhỏ.
+ Nêm muối, tiêu và hạt nêm theo khẩu vị. Đun súp cho đến khi các nguyên liệu chín mềm, khoảng 20-30 phút.
+ Trước khi tắt bếp, bạn có thể thêm mùi tàu để tăng hương thơm cho món súp.
Ngoài những món ăn trên, mọi người cũng có thể chế biến nấm đùi gà theo nhiều cách khác như: nấm đùi gà nhồi thịt hoặc phô mai, salad nấm đùi gà,...
Có thể nói, nấm đùi gà có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng cũng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào khác, một số người có thể phản ứng dị ứng khi ăn nấm. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, sưng hoặc khó thở. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, mọi người nên đến bệnh viện để được cấp cứu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn