3 lỗi thiền sai cách

13:14 | 15/12/2015;
Tọa thiền sai cách có nguy cơ mắc các bệnh như trầm cảm, xương khớp.

Nhập viện... thiền

Ngồi thiền có thể giúp người tập giảm căng thẳng, giảm tăng huyết áp, tăng cường trí nhớ… Đặc biệt, thông qua thiền, cảm thức nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung xuất hiện trong lòng. Thế nhưng, không phải ai thiền cũng đạt được kết quả, thậm chí còn mắc nhiều loại bệnh như đau đầu, vẹo cột sống, trầm cảm do tập sai cách, nhất là với những người mới bắt đầu.

Chị Nguyễn Thu Trang (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), từng tập tọa thiền nhưng sau đó phải đến bệnh viện để điều trị. Bác sĩ cho biết, chị Trang bị trầm cảm, song bệnh chưa nặng nên chỉ điều trị một thời gian là khỏi. Sau này, chị tìm hiểu thì được biết, nguyên nhân khiến mình bị như vậy là do ngồi thiền sai cách.

Theo hòa thượng Thích Đạo Thực, trụ chì chùa Ngọc Tân (huyện Hoài Đức, Hà Nội), thiền định là quá trình đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, có được do luyện tập. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được cảnh giới, bởi nhiều người luyện tập sai cách. Theo đánh gia của hòa thượng Thích Đạo Thực, người tập thường vướng vào 3 lỗi sai cơ bản:

- Thứ nhất là khả năng tập trung kém. Thực tế, khi thân tĩnh thì tâm càng động, hay nghĩ nhiều thứ, lan man. Nếu không có người hướng dẫn thì người tập càng dễ nghĩ lung tung, tâm trí loạn xạ, lâu dần dẫn đến nhức đầu, căng thẳng.

- Thứ 2, tọa thiền nhưng tư thế không thẳng, thường vẹo sang bên này, bên kia. Nếu tiếp tục duy trì cách thiền ấy thì lâu dài người tập sẽ bị vẹo cột sống.

- Thứ 3, tư thế sai khiến cách thở cũng sai, gây loạn khí, tâm trí không linh hoạt, cảm giác hôn trầm (trạng thái nửa ngủ, nửa mê, không có sự tỉnh táo, sáng suốt) lâu dần sinh ra bệnh tật.

Thiền sai cách có nguy cơ mắc cách bệnh về tâm thần và xương khớp (Ảnh minh họa)

Thiền thế nào cho đúng?

Hòa thượng Thích Đạo Thực cho rằng, khi thiền, quan trọng nhất là tâm tọa. Tức là làm thế nào để tâm tĩnh, không bị xáo động. Về nguyên tắc, phải giảm thiểu những ý nghĩ miên man trong đầu một cách từ từ. Mỗi ngày giảm một ít, đến khi trong đầu không còn suy nghĩ những điều khác, tâm sẽ được trong sáng.

Sau tâm, thở là bước căn bản. Khi thiền, người tập phải thở sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng. Miệng ngậm lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Sau đó, hít thở bằng mũi đều đều, nhè nhẹ không cố gắng. Trong thiền, tâm và hơi thở phải đồng thời thực hiện.

Khi tọa thiền, cần một nơi yên tĩnh. Người tập trải 1 tấm nệm vuông dày, ngay giữa đặt lên trên 1 cái gối ngồi nhỏ. Nửa mông sau đặt trên gối và ngồi ngay thẳng vững vàng. Người tập nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi tạo thoải mái khi thiền. Trong lúc thiền, xương sống phải hoàn toàn ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau, lỗ tai thẳng với vai và lỗ mũi thẳng rốn.

Điều quan trọng là cần tập luyện đều đặn, mỗi ngày 1 hoặc 2 lần. Khi mới tập có thể ngồi khoảng 15 phút/lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi đúng tư thế, nhắm mắt, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hay giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện, giúp người tập đi vào trạng thái thiền định.

Trước khi đứng dậy, cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông, như dùng 2 tay vuốt nhẹ 2 bên sóng mũi xuống cằm, vuốt ấm vành tai, xoa 2 lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt… Khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi 2 chân và xoay người hoặc lắc cổ qua lại nhiều.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, 60% người từng thiền không đúng cách đã bị ít nhất 1 trong số các tác dụng phụ như hoảng loạn, trầm cảm và rối loạn. Còn nghiên cứu tâm lý thực hiện tại Anh cho thấy, tọa thiền sai có thể gây hưng cảm, trầm cảm, ảo giác và rối loạn tâm thần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn